Nơi tưởng nhớ những NS đã quá cố.
Chủ nhật Tháng 1 14, 2007 2:41 am
VŨ CHẤN
Cách đây vài tháng, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi có tổ chức một buổi họp mặt tại lớp nhạc của ông ở đường Bolsa.
Nghiêm Phú Phi thường đứng ra làm công việc ấy mỗi khi có ai trong giới từ xa tới Cali, để anh em có dịp gặp lại nhau.
Buổi họp mặt vừa rồi là để mừng các nhạc sĩ Xuân Tiên ở Úc sang, hai nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Thanh Sơn từ Việt Nam qua.
Vũ Chấn đã tự mình chạy xe lăn tới.
Ðã phải dùng xe lăn, tất nhiên ông không còn khỏe mạnh nữa.
Nhưng Vũ Chấn vẫn tươi cười, vui vẻ.
Và, đối với những người quen biết ông từ lâu, đã ba chục năm, bốn chục năm rồi, mới có dịp gặp lại, thấy ông vẫn “tếu” như hồi nào!
Ông cho biết, từ đầu đến chân ông, bây giờ toàn đồ giả.
Nghĩa là sao?
Tóc giả. Răng giả. Tim giả.
Tim giả?
Phải có máy chạy kèm.
Tim giả nhưng còn yêu thật được không?
Hết rồi. Tám mươi lăm rồi.
Ông ứng đối với mọi người và các câu đùa bỡn còn hết sức lanh lẹ và minh mẫn.
Không biết đối với các bạn bè thật sự thân thiết, gần gụi với ông, Vũ Chấn là người thế nào. Nhưng đối với những người chỉ biết ông qua giao tiếp bình thường, qua công việc hàng ngày, ông là một người, tuy lúc nào cũng có thể chọc cho người khác cười, nhưng lại rất nghiêm túc trong công việc. Khi còn cộng tác với các ban nhạc trên các đài phát thanh trước 75, trước 54 nữa, ông luôn đúng giờ giấc, không bắt người khác phải chờ đợi hay vì mình mà bị trễ công việc.
Về sáng tác, ông có khuynh hướng hài hước và đặc biệt, dù thông thạo nhạc lý Tây phương nhưng tất cả các sáng tác của ông đều mang đậm nét nhạc cổ truyền dân tộc. Nghe bất cứ một bài hát nào của ông, người ta cũng có thể nhận ra điều ấy một cách dễ dàng.
Một số ca khúc của Vũ Chấn từng được phổ biến trên các đài phát thanh ở trong nước trước và sau 1954, người ta còn nhớ được là các bản :
Cô Tây Ðen
Lính Ba Gai
Quê Tôi
Ðánh Giầy (ca khúc này hình như Vũ Chấn viết chung với Hoàng Trọng)
Tai Nạn Xe Máy Dầu
Vũ Chấn có còn viết thêm ca khúc nào nữa không, chỉ thân nhân ông biết. Vì đã lâu lắm, người ta không được nghe bất cứ một bài nào của ông, kể cả cũ lẫn mới.
Bài hát có tên Cô Tây Trắng, sau 1954, thỉnh thoảng người ta vẫn được nghe ở Sài Gòn là sáng tác của Ðức Quỳnh, không phải của Vũ Chấn. Bài này cho đến nay e cũng không có ai giữ được. Bản thu thanh lại càng ít hy vọng có.
Người ta nghĩ bài Cô Tây Trắng là của Vũ Chấn có lẽ vì liên tưởng đến bài Cô Tây Ðen vậy thôi.
Nhớ lại bổi gặp gỡ sau cùng mới đây, ngồi trên xe lăn, khi bắt tay từ giã mọi người, ông cười nói đại khái “không hẹn ngày gặp lại, có dịp còn tới được sẽ tới, tuổi này, không thể biết trước ngày mai thế nào”.
Không phải ngày mai mà hai tháng sau, ông mất.
Vũ Chấn mất chưa được môt ngày (hay hai ngày) người ta lại được tin ca sĩ Ngọc Giao bị đột quỵ (tim) qua đời.
Ngọc Giao là một trong những ca sĩ kỳ cựu của Ðài Phát Thanh Sài Gòn xưa, khi ấy còn được gọi là Ðài Vô Tuyến Quốc Gia. Trước 1954, nếu ai từng nghe đài này, hẳn còn nhớ đến nhiều giọng hát khác như Trọng Nghĩa, Văn Thiệt, Ngọc Hà, Ðỗ Tuấn...
Ðỗ Tuấn và Ðỗ Ðình Phương (guitarist) đều là em ruột Ngọc Giao.
(Ðỗ Tuấn tức Giáo Sư Ðỗ Ðình Tuân, hiện là chủ nhà sách Văn Khoa trong khu Phước Lộc Thọ).
Không biết có bao nhiêu ca khúc của Vũ Chấn, bản in, bản chép tay, ghi âm, thân nhân của ông hay ai đó còn giữ được?
Riêng Ngọc Giao (hình như) không còn chút dấu vết nào về tiếng hát của ông.
Trường hợp Vũ Chấn, nếu mai ngày, có ai khám phá ra cái hay của nhạc ông, đem hát lại, sự việc có thể (gọi là) sửa chữa được đôi chút.
Trường hợp Ngọc Giao chắc là tuyệt vọng.
Ðời sống đôi khi làm người ta liên tưởng tới những ngọn đèn, những vì sao, lặng lẽ sáng, lặng lẽ tắt.
Sau đây là nguyên văn bài Cô Tây Ðen của Vũ Chấn, ghi theo một cuốn băng cassette, do Vân Sơn (ban AVT xưa) trình bày (tài liệu của Chu Van Le, Canada):
Ơ! Rừng mái rừng me
Cô mặc áo thắm cô che dù hồng
Tập tầm vông
Tay xách ví đầm dắt chó bẹc-giê
Ơ! Rừng mái rừng me
Cùng ông săng- đá cô xe chỉ đào
Ô! Ðẹp làm sao
Cô đi lượn phố cô vào đăng-xinh
Mặt phấn mồm son
Ðầu tóc bùm xum
Ðẹp! Cô đẹp chín nghìn
Hàng my cô cong
Tà áo cô bay, bay lượn như bướm xuân
Ơ! Rừng mái rừng me
Cô mặc áo thắm cô che dù hồng
Tình thấy hơi đồng
Cô lấy chồng Tây đen
Người ta lấy chồng cho bõ công má hồng
Cho bõ công tắm rửa bằng xà-phòng Ca-đum
Mà sao cô lại đem tấm thân ngọc
đứng bên ông tượng dồng
Nguyễn Ðình Toàn
Theo NV
Chủ nhật Tháng 1 14, 2007 2:58 am