Một số nghệ sĩ nổi danh đã từng góp phần vào sự thành công của một vài đoàn hát lớn, được đông đảo khán giả ái mộ, thường mang bệnh chủ quan, nghĩ rằng chỉ cần có tên tuổi của mình, đủ tạo cho buổi hát có kết quả tốt đẹp.

Sự việc này được chứng minh qua nghệ sĩ Hùng Cường, khoảng năm 1997 lúc anh mang bệnh khá nặng, chúng tôi từ San Diego lên thăm anh tại một căn nhà năm gần chợ Van Co. Nghệ sĩ Hùng Cường đã tâm sự với chúng tôi, anh cho biết khi mới định cư ở Hoa Kỳ không bao lâu, anh đã nôn nóng muốn thực hiện ngay một sân khấu cải lương, mà anh tin tưởng với tên tuổi cá nhân anh, đã đủ sức lôi cuốn được đông đảo khán giả. Anh thử nghiệm một đôi lần đầu tiên, qui tụ được vài nghệ sĩ chuyên nghiệp, còn hầu hết là suất hát buổi đầu. Khán giả đến ủng hộ khá đông, rồi dần dần thưa hết vào những lần tổ chức kế tiếp. Do đó, khiến anh buồn nản và suy nghiệm rút ra một bài học, muốn thực hiện một sân khấu cải lương có đầy đủ chất lượng nghệ thuật, lôi cuốn khán giả, không dễ dàng như anh tưởng tượng.
Chúng tôi chỉ biết an ủi và chia sẻ với nghệ sĩ Hùng Cường, về nỗi lòng mà anh đã ấp ủ với tất cả nhiệt tình đối với bộ môn cải lương, trong lúc anh đang nằm trên giường bệnh. Sau đó ít lâu nghệ sĩ Hùng Cường qua đời, chúng tôi có đến nhìn mặt anh một lần cuối, thắp ba nén hương trước bàn thờ, vừa vái van vừa thì thầm những lời vĩnh biệt cùng anh.
Anh Hùng Cường, anh là một nghệ sĩ lỗi lạc trên cả ba lĩnh vực Tân nhạc, Cải lương, Điện ảnh, anh được hàng triệu khán giả yêu mến. Anh có tấm lòng thiết tha với sân khấu, muốn đem hết sức mình để xây dự ng lại bộ môn nghệ thuật cải lương ở Hải ngoại. Nhưng dù sao anh cũng chỉ là một con én, khó tạo lại được mùa Xuân, chắc chắn tất cả những nghệ sĩ cải lương đến sau đều có chung tấm lòng như anh vậy. Cầu xin hương linh anh được bình yên nơi miền siêu thoát.
Sự ra đi của nghệ sĩ Hùng Cường là một mất mát lớn lao đối với ngành Cải lương ở Hải ngoại. Rồi lần lượt các nghệ sĩ nhạc sĩ cổ nhạc: Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Hữu Phước, Hoàng Hải, Tám Trí, Trần Ngọc Thạch và mới đây là Dũng Thanh Lâm, cũng giã từ sân khấu, để lại một khoảng trống khó có người thay thế vào được.
Những năm về sau, số nghệ sĩ Cải lương đến định cư ở Nam Cali khá đông, qua nhiều hình thức như Văn Chung, Phượng Liên, Chí Tâm, Hà Mỹ Hạnh, Hoài Trúc Linh, Bình Trang, Linh Tuấn, Đoan Thy, Quốc Tuấn, Lam Triều, Thanh Kim Mỹ, Tuấn Minh, Bảo Châu, Tuấn Phong, Xuân Mỹ... Cộng thêm một số diễn viên trẻ trưởng thành ở Hải ngoại như: Thu Hồng, Thanh Huyền, Minh Hùng, Mộng Khanh, Tuấn Tài, Philip Nam, Duy Tâm, Quốc Nam, Quốc Hải, Đan Phượng, Chi Phượng, Ái Linh, Bảo Ngọc... cũng góp phần cho sinh hoạt cải lương, cùng lúc càng thêm sôi động.
Trước đây không lâu, vài nghệ sĩ đứng ra thành lập đoàn hát, hoặc tổ chức chương trình văn nghệ cải lương trình diễn mỗi tháng một lần như: Hoài Trúc Linh và Kim Xuyên Lan lập đoàn Thái Dương, Minh Tâm đoàn Thủ Đô. Hai nghệ sĩ Chí Tâm và Linh Tuấn kết hợp nhau, tổ chức chương trình Hòa Ca cổ nhạc, được năm bảy suất gì đó thì rã đôi, vì bất đồng ý kiến. Đoàn Thủ Đô của Minh Tâm lâu lâu quy tụ nghệ sĩ, trình diễn vài trích đoạn cải lương, nhưng dường như khán giả không được hài lòng cho lắm về mặt nghệ thuật.
Riêng nghệ sĩ Hoài Trúc Linh kết hợp với nữ nghệ sĩ Hà Mỹ Hạnh, và một số diễn viên trẻ, dưới bảng hiệu Thái Dương, tập dượt và trình diễn trọn tuồng cải lương qua các vở: Nặng nợ núi sông, Bóng hồng sa mạc, Hàn Mặc Tử, Bao công xử án Trần Thế Mỹ, Lấy chồng xứ lạ... Phải xác định nhóm Thái Dương của Hoài Trúc Linh, Hà Mỹ Hạnh, Kim Xuyên Lan, tương đối được khán giả khen ngợi, vì biết tận tình chăm sóc sân khấu từ cảnh trí tới âm thanh, ánh sáng, và nhất là trình diễn nguyên trọn vở tuồng.
Phạm Hà Nam
Sửa lần cuối bởi
bye bye vào ngày Thứ 6 Tháng 12 03, 2004 7:15 pm với 1 lần sửa trong tổng số.