Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu qua đời
4h40 sáng nay, diễn viên Lê Vũ Cầu qua đời tại quán Vợ Thằng Đậu, số 40 Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức, TP HCM, hưởng dương 53 tuổi.
>>Khi cuộc đời níu gọi
>>Cả đời không biết một mái ấm
>>Ước được ra đi nhẹ nhàng
Trước đó, anh đã nằm Bệnh viện Quân dân miền Đông (quận 9, TP HCM) gần một tháng để điều trị căn bệnh xơ gan cổ trướng tái phát. Căn bệnh nan y khiến anh thường xuyên lâm vào tình trạng hôn mê. Luôn bên cạnh anh trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, ngoài gia đình người thân còn có bạn bè như: đạo diễn Thế Ngữ, diễn viên Lê Tuấn Anh và nghệ sĩ Phước Sang.
Cách đây hơn ba năm, khi biết mình mắc bệnh nan y, Lê Vũ Cầu đã tâm nguyện mở quán cơm chay Vợ Thằng Đậu để phục vụ miễn phí cho dân nghèo tại Thủ Đức. Không ít lần, nghệ sĩ này đã trải qua những phút thập tử nhất sinh, nhưng anh lại may mắn vượt qua được định mệnh để vui vẻ trở lại với cuộc đời.
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu tên thật là Lê Bửu Cầu, sinh năm 1956 tại Cà Mau. Năm 8 tuổi, anh rong ruổi theo gánh hát cải lương Minh Cảnh làm công việc hậu đài. Qua quá trình phấn đấu, Lê Vũ Cầu trở thành nghệ sĩ đóng thành công nhiều dạng vai, kể cả vai hài trên sân khấu đoàn kịch nói Bông Hồng.
Đến nay, khán giả còn nhớ đến anh qua nhiều vai diễn nổi tiếng trên sân khấu trong các vở kịch: Khuất Nguyên, Vũ Như Tô, Chí Phèo, Người đàn bà đức hạnh… và nhiều bộ phim. Anh còn là đạo diễn của các vở kịch như Con gái ngài giám đốc, Chuyện lạ, Con ai...
Lễ viếng bắt đầu 10h ngày 24/9 tại Nhà Truyền thống Ban ái hữu Nghệ sĩ TP HCM (số 133 Cô Bắc, quận 1). Lễ truy điệu được tổ chức lúc 10h30 ngày 27/9, an táng tại Nghĩa trang Nghệ sĩ Gò Vấp (TP HCM).
(
Tùng Dương).
Khi cuộc đời níu gọi
Sinh ra trong thời chiến, mồ côi cha từ nhỏ, lưu lạc giang hồ, tình duyên trắc trở, đến cuối đời phải chia tay với một thứ mà mình quá thương yêu - sân khấu, thế nhưng, Lê Vũ Cầu vẫn thấy được cuộc đời ưu ái và bù đắp.
Anh được công chúng biết đến qua các vai diễn, được sống cạnh những người bạn tri âm, được thực hiên ước mơ mở quán cơm từ thiện. Đó là tất cả niềm hạnh phúc của anh. Năm 2002, vì bệnh gan anh, đã phải suýt từ giã cuộc đời. Khi biết mình bệnh không còn cách nào chữa trị, lẽ ra phải bỏ rượu thì anh nhậu nhiều hơn, mà theo lời anh là "nhậu để chết sớm cho rồi".
Lê Vũ Cầu thậm chí đã trải qua giờ phút hấp hối vào một ngày cuối năm 2004. Vậy mà anh vẫn sống, chẳng hiểu là do phép màu nhiệm nào. Anh luôn tự hỏi tại sao mình lại sống, sống bao lâu nữa và sống như thế nào đây?
(
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu).
Năm 2005, Lê Vũ Cầu lặng lẽ nói lời chia tay sân khấu - chia tay một thứ anh quá đỗi yêu thương yêu vì lý do sức khoẻ. Sân khấu chứa đựng những nỗi đam mê đầy cám dỗ. Cho đến bây giờ sân khấu vẫn còn ám ảnh Lê Vũ Vầu ngay cả khi anh tưởng mãi đã lìa xa chúng. Đạo diễn Thế Ngữ - người bạn thân thiết nhất luôn túc trực bên anh - cho biết năm 2007 sẽ thực hiện liveshow Giã từ sân khấu của nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. Anh xứng đáng được đứng tên một đêm diễn.
Vợ thằng Đậu là một tiểu phẩm hài đậm chất dân gian Nam bộ rất ăn khách để lại dấu ấn cho đôi bạn diễn Hồng Vân - Lê Vũ Cầu từ chục năm trước. Giờ đây, anh tiếp tục làm để bà con có dịp cười vui thư giãn. Lần này, chuyện sẽ xoay quanh đám con 6 đứa lúc nhúc trong chòi chăn vịt của vợ chồng Đậu nhiều hơn. Rút kinh nghiệm đời mình, Đậu quyết đưa con thoát cảnh nghèo khổ dốt nát, tụi nhỏ đứa thì giỏi vi tính, đứa giỏi ngoại ngữ, đứa mê học võ…
Những câu chuyện vui, những xung đột và dung hoà thấm thía sẽ phát sinh từ hai thế hệ khác nhau này. Lê Vũ Cầu nói chắc chắn anh sẽ đóng vai Đậu và cố mời Hồng Vân tham gia vai vợ của Đậu. Còn 6 đứa con anh sẽ mời toàn "ngôi sao" của làng hài như Thuý Nga, Anh Vũ, Việt Hương… Qua tiểu phẩm này, anh mong muốn quảng bá du lịch cho các vùng miền và khắc họa câu chuyện của mỗi cá nhân khi đất nước bước vào thời hội nhập.
Mồ côi từ năm lên 9, Lê Vũ Cầu một mình rời bỏ quê hương Tây Ninh ra Quy Nhơn sống cảnh… bụi đời: đánh giầy, làm thuê và sa vào nghiện ngập. Rồi có một đêm nọ đoàn cải lương Minh Cảnh ra hát ở Quy Nhơn, anh cảm thấy bồi hồi khi nghe câu vọng cổ dường như gợi lại những dòng sông, xuồng ghe, bến nước và cánh đồng đâu đó trong tuổi thơ của mình. Anh chạnh lòng khao khát một quê hương. Thế là anh đi theo đoàn hát cho thoả kiếp giang hồ.
Lê Vũ Cầu từ đoàn Minh Cảnh sang Mây Tần, Hương Mùa Thu, Kim Chưởng, Phước Chung, Bông Hồng, Cửu Long Giang… đi lưu diễn khắp miền Trung đến miền Tây. Từ một nhân viên hậu đài làm công việc soát vé, kéo micro, kéo màn rồi được đóng vai quân sĩ, dần lên vai phụ rồi kép chính. Từ cải lương sang kịch nói, Lê Vũ Cầu chẳng bao giờ hy vọng trở thành một nghệ sỹ nổi danh. Bây giờ cũng thế, chưa bao giờ anh tự nhận mình là một danh hài. Là người trọng nghĩa khinh tài, anh lúc nào cũng biết ơn sân khấu, vì "không ngờ rằng, sân khấu là nơi đã cứu cuộc đời tôi".
Lăn lộn ở trường đời, Lê Vũ Cầu có được vốn sống khá phong phú để mang vào nghề diễn. Năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh cộng với ý chí rèn luyện đã giúp anh trở thành nghệ sĩ thực thụ. Dù với thể loại nào: chính kịch, hài kịch hay điện ảnh thì anh vẫn luôn tạo ấn tượng với lối diễn chân thật, biết khai thác tận cùng tâm trạng nhân vật để truyền được cảm xúc đến với người xem. Ngoài vai trò kịch sĩ, Lê Vũ Cầu còn là một đạo diễn tài hoa với những vở dựng cho sân khấu kịch 5B như Chuyện lạ, Con gái ngài giám đốc…
Có một chỗ đứng trên sân khấu kịch và điện ảnh cho đến khi chia tay nghề diễn, giờ đây, khi đã bước sang tuổi 52, Lê Vũ Cầu vẫn "một mình một bóng". Anh mở quán cơm từ thiện để giúp trẻ mồ côi, những người thất cơ lỡ vận, những hành khất qua đường bằng cả tấm lòng, bằng sự trân trọng thực sự. Anh đã chuẩn bị tất cả, nếu có ra đi thì quán cơm ấy vẫn được duy trì, như tình yêu thương sẽ mãi còn tiếp nối. Người ta vẫn thấy anh thỉnh thoảng rời quán gà vườn Vợ thằng Đậu của mình ở Thủ Đức để vào Sài Gòn lấy thuốc, rồi gặp gỡ bạn bè cà phê hàn huyên…
Căn bệnh xơ gan biến chứng rất nhanh, không biết trước được ngày nào… Khi cuộc đời đã nhiều lần níu gọi, giờ đây anh luôn cảm thấy phải gắng sống tiếp, với yêu thương, với khán giả, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cả những người không quen biết tìm đến quán cơm từ thiện. Thiết tha một nỗi yêu đời và yêu sân khấu, Lê Vũ Cầu vẫn cặm cụi bước đi, để lại tặng muôn tiếng cười sâu sắc cho bao người hâm mộ.
(
Theo VTV.vn)
Cả đời không biết một mái ấm.
Sân khấu biến một cậu bé giang hồ vô gia cư, nghiện ma tuý thành một nghệ sĩ thực thụ. Nghệ thuật cho Lê Vũ Cầu một vai ông Cá Hô để đời trong điện ảnh, một cá tính hài trên sân khấu, nhưng không ai cho ông nổi một gia đình...
Sài Gòn chứa trong lòng nó biết bao nhiêu cuộc đời kỳ lạ. Lê Vũ Cầu cũng là một trong những cuộc đời ấy, một cuộc đời nhỏ bé nhưng lấm láp mấy chục năm làm nghệ sĩ. Sau cơn bạo bệnh, gã giang hồ nghệ sĩ ấy giờ thoi thóp sống cùng quán cơm chay từ thiện của mình như một kẻ tu hành, dù không phải lúc nào trái tim bệnh tật ấy cũng ngủ ngoan trước sức cám dỗ của nghệ thuật...
Khá lâu rồi, Lê Vũ Cầu sống trên một chiếc mobile home - một chiếc xe Yukon. Vị đạo diễn của nhiều vở kịch ấm áp này lại chọn nơi lưu hành cuộc sống của mình trên những ngả đường. Di động giữa thành phố, anh gần như bật ra khỏi nhịp sống náo nhiệt này, mặc cho hàng triệu con người bên cạnh anh hối hả và kiệt sức để kiếm cho mình một món bất động sản. Lê Vũ Cầu đã sống trong căn nhà di động ấy hai năm và hoàn toàn hài lòng. Mới hay, cái chất phiêu lưu, khao khát đời sống không bó buộc đã nhuốm chặt lấy tâm não anh.

(
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu).
Nhưng đến một ngày anh nhận thấy mình không còn xứng đáng với ngôi nhà tự do ấy nữa. Anh bị bệnh. Chiếc xe ấy biểu trưng cho sự khoẻ mạnh và phục vụ một người chọc trời khoấy nước. Chiếc xe không thích hợp cho việc đi lại, sắc thuốc của một người bệnh. Anh bán nó đi và mướn một căn nhà ở Thủ Đức để bắt đầu một cuộc sống gần như im lặng với nghệ thuật. Anh muốn khán giả quên hẳn Lê Vũ Cầu đi, để nếu có trở lại với sân khấu, anh sẽ bắt đầu một chân dung mới.
Lê Vũ Cầu bệnh nặng, giới nghệ sĩ Sài Gòn gần như đã buộc phải nghĩ rằng, họ chuẩn bị mất đi một "ông Cá Hô" làm nghề nghiêm túc và tài năng. Anh nằm trong Bệnh viện Bình An, bệnh xơ gan cổ trướng. Đạo diễn Thế Ngữ đưa anh vào viện, trông nom anh, như từng chăm sóc, yêu quý và giúp đỡ anh, đứa em côi cút, suốt mấy chục năm trời. Nghệ sĩ Phước Sang còn tính đi đặt quan tài rồi, các nghệ sĩ khác đã cắt đặt nhau để lo hậu sự cho anh. Nằm hôn mê 3 ngày, Lê Vũ Cầu tỉnh lại. Và bắt đầu hành trình quay trở lại với sự sống.
Anh nhớ lại những ngày ấy, dường như trong ý nghĩ của anh luôn thường trực một tâm niệm phải sống. Anh sợ mình đi vào cơn mê kia và cứ cuốn đi mãi không còn lại gì. Bởi thực tình, khi ấy anh thèm được sống, để tiếp tục những dự định sân khấu của mình. Lê Vũ Cầu tự nhận mình được trời thương vì hiếm có ai xơ gan cổ trướng mà lại có thể tiếp tục sống.
Đời nghệ sĩ một mình, sống nay đây mai đó, không bạn bầy với rượu mới là chuyện hiếm. Anh làm bạn với rượu quá sớm và chưa lúc nào có thể ngưng. Thế nên khi biết mình mắc trọng bệnh, anh lại càng uống nhiều rượu, chỉ để mong cái chết đến nhanh hơn. Nhưng khi từ cõi chết trở về, anh đã chống chọi không ngừng nghỉ với mầm bệnh đang chầu chực trong người.
Lê Vũ Cầu đến với rượu không phải tình cờ. Phía sau mỗi cuộc đời sóng gió là một cá tính bất thường, một lối sống bất thường. Một tuổi thơ bị đánh cắp. Không được học hành. Không có gia đình. Cậu bé mồ côi xứ Cà Mau này sống suốt một cuộc đời thiếu quê hương. Năm 1963, ba mẹ anh trúng đạn máy bay, bỏ lại 6 chị em côi cút, khi ấy anh mới vừa 8 tuổi. Sáu chị em nương tựa vào những người bà con, nhưng rồi chịu không được cảnh ghẻ lạnh, cậu bé đã bỏ làng mà đi.
Bỏ làng, đi lang thang, sống vật vờ dưới trời bom rơi đạn lạc. Lưu lạc mãi tận Quy Nhơn, để rồi, cậu bé ấy làm đủ nghề để sống, làm đủ việc để mong có được miếng cơm sạch, tấm áo lành. Vậy mà cuối cùng giấc mơ con ấy vẫn mãi nhọc nhằn. "Tôi đã thành một đứa trẻ giang hồ, sống không có ngày mai. Khi ấy, cái tên Cầu "Sài Gòn" nổi tiếng khắp Quy Nhơn. Người ta nhìn thấy tôi là nhìn một thằng bé đen nhẻm, liều lĩnh, dám làm đủ chuyện, từ ăn xin, đánh giày, cướp giật ở nhà ga, bảo kê gái giang hồ trước đám lính Mỹ...", Lê Vũ Cầu tâm sự.
Cuộc sống trôi đi trong nhiều biến động. Cậu bé giang hồ ấy đã tìm cách kiếm sống bằng những kho hàng của lính Mỹ. Và một ngày, khi những đốm lửa đạn sáng rực bờ sông, khi những đứa bạn của anh kêu lên thất thanh, khi tiếng dòng sông bỗng trở nên ấm ức như tiếng nước mắt chảy, Lê Vũ Cầu đã mất đi 6 đứa bạn thân thiết trong nhóm trẻ đường phố. Chúng đã nằm lại đó, dưới mũi súng của giặc Mỹ. Và anh rơi vào trạng thái của kẻ mắc lỗi, sống trong một tinh thần bất an, đầy hoảng loạn. Chính thời điểm đó, anh đã tìm đến ma tuý như một thứ nô lệ tinh thần. Và rồi, anh trở thành một con nghiện giữa đầu đường xó chợ.
Khi đi theo gánh hát cải lương Minh Cảnh, Lê Vũ Cầu chưa thoát được những cơn nghiện. Nhưng cực khổ quá, anh buộc phải nghĩ đến cách sống không ma tuý. Và lại là những cuộc vật lộn không ngừng nghỉ, những cuộc chạy đua liên hồi với khói thuốc. Cuối cùng anh đã thắng, đã đi lên thành một nghệ sĩ thực thụ từ một thang bậc khắc nghiệt của một đứa vô danh đến vai chạy cờ, vai phụ rồi vai chính. Lê Vũ Cầu nói, chính vì trải qua mọi câu chuyện ấy, mà anh đã không thấy sợ hãi trước những biến cố hay thay đổi. Anh chỉ tìm cách thích ứng với nó mà thôi.
Nhìn lại chặng đường dài Lê Vũ Cầu gắn bó với nghệ thuật, người ta sẽ nghĩ nhiều đến anh qua vai trò đạo diễn. Còn nhớ, năm 2003, vở kịch bạc tỷ Sụp đổ do anh làm đạo diễn đã gây xôn xao dư luận. Hay rất nhiều những vở hài kịch mà anh là tác giả kiêm luôn diễn viên chính, một lối hài tỉnh queo và tạo nên tiếng cười thâm thuý. Nhưng vai diễn mà anh sẽ để lại tới sau này, đó chính là vai Năm trong phim Ông Cá Hô, bộ phim không dài nhưng mang vẻ đẹp mộc mạc và lâu bền của đạo diễn Trần Mỹ Hà.
Cái Vàm Nao ấy, nơi tình yêu đẹp đẽ của người đàn ông miệt ruộng với cô đào hát cải lương bắt đầu. Năm đã sống một đời bằng tình yêu không đong đếm. Để rồi, người yêu anh, nhờ tiền bán cá hô của anh, mà lên thành phố trở thành ngôi sao sân khấu. Lặng lẽ Năm theo dõi người yêu, không hờn trách người yêu, không oán hận người xưa phụ bỏ mình mà còn lo lắng cô dễ bị người đời lường gạt nơi phố thị.
Lê Vũ Cầu đã sống trọn vẹn với vai diễn ấy. Khi đó anh mới ngoài ba mươi tuổi, sống mạnh mẽ và phóng khoán, anh đã đi vào cuộc đời Năm như đi vào chính cuộc đời mình. Và đến tận bây giờ, anh vẫn luôn giữ trong mình con cá hô đáng yêu ấy.
Lê Vũ Cầu giữ nguyên một cá tính trong nghệ thuật, là luôn cẩn trọng, hết mình và không vội vàng. Có lần trò chuyện, diễn viên Thanh Thuý bảo, Thuý luôn dành cho anh Cầu một tình cảm riêng biệt. Bởi anh đã là người thày lớn với cô trên chặng đường đầu tiên đến với sân khấu. Ngày đó, ai cũng biết Lê Vũ Cầu chăm sóc cho Thuý từng nét diễn.
Mỗi khi cô có vai, anh uốn nắn từng buổi tập và khi cô lên sàn diễn, anh nín thở trong cánh gà xem và lại chỉnh sửa. Nhưng anh không bao giờ khen cô. Anh luôn chê trách nghiêm khắc, đến mức một cô gái trẻ đẹp và nhận nhiều lời khen tụng như Thuý cũng tin rằng, mình chẳng là gì cả và mình phải cố gắng nhiều hơn.
Sau này khi trưởng thành thêm, Thuý hiểu ra những việc anh làm cho mình. Ngay từ khi gặp nhau buổi đầu tiên, cả hai đã bị cuốn hút nhau một cách kỳ lạ, đó có thể hiểu như sự tương thông trong quan niệm thẩm mỹ và khao khát làm nghề. Nhiều người cũng xôn xao về mối tình giữa Lê Vũ Cầu với Thanh Thuý. Nhưng anh nói rằng, đó là tình anh em.
Còn Thanh Thuý nói, cô coi anh như một người anh lớn, một người thày và có một chút của tình cảm cha con. Những khi anh đau ốm, cô là người chăm sóc. Anh chỉ dạy cho cô mọi kinh nghiệm dưới ánh đèn sân khấu. Nhưng họ đã không đi đến một tình yêu. Hoặc nếu có, đó là sự mong manh của những cảm xúc đẹp mà không ai bận công lý giải.
Lê Vũ Cầu có nhiều mối tình, nhiều người phụ nữ đã đi qua đời anh và mỗi người để lại cho anh một niềm vui. Nhưng đến giây phút này, anh chỉ còn lại một tình yêu nhưng tình yêu ấy đã không thể nào công bố được. Người con gái ấy đã yêu anh trong tình yêu đầu, để rồi không đi đến tận cùng tình yêu vì phải thuận ý gia đình. Sau bao nhiêu năm, nay vẫn là những điều quý giá còn lại với Lê Vũ Cầu.
Gặp lại Lê Vũ Cầu trong một chiều cuối tuần rất nắng. Anh phải đeo kính mới nhìn được số điện thoại, nét cười hằn vị buồn phiền. Anh ngồi trong căn quán lá của mình, nơi này anh đi thuê để bắt đầu một cuộc sống mới, với quán cơm chay từ thiện, mỗi ngày vài trăm suất cho khách thập phương lỡ độ đường hay những người nghèo không có tiền cơm. Những chén cơm sạch sẽ được mang đến từ tấm lòng chân thành. Đó cũng là món cơm chay Lê Vũ Cầu ăn hai bữa mỗi ngày. Anh ăn cơm chay, uống thuốc trị bệnh, nay bệnh cũng đã thuyên giảm đến 60%, như thể bệnh khỏi nhờ tâm.
Rồi cứ cố gắng khoẻ mạnh, anh sẽ bắt đầu bộ phim Vợ thằng Đậu 10 tập trong năm 2007, kể như kế hoạch cuối đời với nghệ thuật. Sống từng ngày và cố gắng từng ngày, Lê Vũ Cầu đã mang tâm thế của người chấp nhận sòng phẳng với cái chết. Anh chỉ mong ước, cái quán cơm này vẫn còn duy trì mãi. Bởi suốt một phần đời dài, anh được nuôi sống nhờ những món cơm từ thiện. Và quán Vợ thằng Đậu anh mở ra như một sự tri ân.
Lê Vũ Cầu nói, anh cả đời không biết một mái ấm là thế nào, nên anh sống chung với nhân viên trong quán, ăn ngủ cùng họ, nhận một cậu nhỏ làm con nuôi để nó tiếp tục cái quán cơm này. Anh cũng có một miếng đất rộng ở Vũng Tàu, từng tính chia đất cho bạn bè để lập xóm nghệ sĩ nhưng nay thành phố quy hoạch làm vườn hoa, nên anh lại buông xuôi chờ ngày giải toả nhận tiền đền bù mà thôi. Thế nên, đi gần năm mươi năm, Lê Vũ Cầu vẫn thực sự chưa an cư. Dù thế nhưng giờ đây, với ông Cá Hô xù xì này, điều đó không còn quan trọng nữa...
(
Theo An Ninh Thế Giới)
Ước được ra đi nhẹ nhàng
"Lúc nào tôi cũng khao khát có một gia đình. Trong phòng, TV luôn bật 24/24 giờ dù tôi ngủ hay thức, xem hay không xem, chỉ để nghe được tiếng người nói, cảm giác như mình đang có một gia đình. Tuy vậy, ngay cả lúc ốm thập tử nhất sinh, tôi cũng không bao giờ ân hận về quyết định sống một mình", nghệ sĩ Lê Vũ Cầu tâm sự trong khi sức khỏe đang yếu dần đi vì căn bệnh xơ gan.
- Có một người phụ nữ chiếm vị trí rất đặc biệt trong trái tim anh. Cô ấy là tình đầu hay tình cuối?
- Trước năm 1975, tôi sống không nghĩ tới ngày mai. Nhưng sau khi gặp cô ấy, tôi đã biết thế nào là yêu và hạnh phúc. Năm đó tôi 20 tuổi, tay trắng, một mình đi theo đoàn hát cho thỏa kiếp giang hồ. Còn cô ấy là con một gia đình trí thức nhưng lại đam mê ánh đèn sân khấu.
Từ nhỏ, tôi đã thiếu thốn đủ thứ về tình cảm và vật chất nên mỗi khi ở bên cô ấy, tôi đều cảm thấy ấm lòng trở lại. Đối với tôi, cô vừa là người yêu, vừa là mẹ, là bạn. Nhưng cả hai chúng tôi đều không vượt qua được rào cản gia đình khi ba mẹ cô ấy phản đối vì không môn đăng hộ đối. Cô ấy buộc phải lựa chọn: một là tôi, hai là gia đình. Phần vì bản tính tôi ương ngạnh, tự ái, phần vì cô ấy là đứa con có hiếu nên cuối cùng, chúng tôi chấp nhận chia tay.
Tưởng thời gian sẽ giúp chúng tôi nguôi ngoai, nhưng không ngờ nỗi mất mát quá lớn khiến tinh thần bị kiệt quệ đến mức tôi đã có suy nghĩ không hay là sẽ giết chết cả hai. Cũng may tôi bình tâm lại và suy cho cùng, cái chết của tôi chẳng gây đau khổ cho ai vì tôi chỉ có một mình, còn cô ấy có cả gia đình.
Lúc cô ấy đi lấy chồng, tôi đã tìm đến rượu, mong uống cho tới chết mà không được. Cô ấy là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng tôi yêu. Tôi tin chắc rằng ngay cả khi tôi nằm xuống thì tình cảm đó vẫn còn mãi.
- Vì thế mà đến giờ, anh vẫn một mình?
- Anh Thế Ngữ (đạo diễn) coi tôi như anh em ruột thịt, là chứng nhân cho quãng đời của tôi trên sân khấu đã nói thẳng: "Chú là người sống bản năng chứ không có bản lĩnh". Nghe ngậm ngùi nhưng tôi thấy đúng. Từ nhỏ tới lớn, tôi đều sống vì bạn, rủ đi đâu tôi cũng đi. Chất giang hồ lãng tử đã ăn sâu vào máu nên không người phụ nữ nào chịu nổi tôi. Có lúc tôi thấy mình không hơn một đứa trẻ. Họ càng chiều chuộng, chăm sóc, tôi càng đòi hỏi. Đối với phụ nữ, tôi mang ơn họ nhiều lắm. Sợ họ khổ nên tôi thà sống một mình.
- Ngoài người phụ nữ đặc biệt còn bao nhiêu người phụ nữ khác đi qua cuộc đời anh?
- Do tính tôi đa cảm nên nhìn người phụ nữ nào tôi cũng thấy rất đẹp. Chỉ cần một bàn tay, ánh mắt, nụ cười, sợi tóc bay bay... là tôi đã có những suy nghĩ lãng mạn và cảm thấy ấm áp lắm rồi. Mà cái số tôi cũng ngộ. Một thân một mình, không giàu có, không quyền lực nhưng lúc nào cũng có phụ nữ ở bên cạnh. Bây giờ cũng thế. Họ không ngại tôi bị bệnh tật hiểm nghèo. Họ chấp nhận tất cả để được ở bên tôi, chăm sóc, an ủi những phút cuối đời. Nhưng tôi không thể vì căn bệnh xơ gan biến chứng rất nhanh, không biết trước ngày nào mình sẽ nhắm mắt, xuôi tay.
- Thời gian trước khi anh bị bệnh, người ta đồn anh và diễn viên Thanh Thúy có gì đó với nhau. Anh nói gì?
- Tôi đồng cảm với Thúy vì Thúy cũng mất cha từ nhỏ. Thúy là cô gái thông minh, sống có trách nhiệm, ngoan đạo và có hiếu. Trong từng vở diễn, tôi đều tập trung lo cho Thúy vào vai như thế nào, thể hiện cử chỉ, ngôn ngữ nhân vật ra sao. Có thể nói, vai diễn chính của Thúy trong vở Chuyện lạ do tôi dựng lại đã đưa Thúy lên đỉnh cao về diễn xuất trên sân khấu. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ là anh em thân thiết, quý mến chứ không có chuyện gì với nhau như tin đồn.
- Trước giải phóng, anh nổi danh là Cầu "Sài Gòn", chuyên cầm đầu một băng nhóm trẻ lang thang ở thành phố Quy Nhơn, dám làm những chuyện động trời như đánh Mỹ để bảo kê cho gái giang hồ. Chuyện này thực tế thế nào?
- Lúc đó tôi mới 11-12 tuổi, có biết gì đâu mà làm bảo kê. Chẳng qua thấy một số lính Mỹ nhậu xỉn, quậy phá, chòng ghẹo chị em phụ nữ nên tôi tìm cách đánh lén. Vì buổi tối đi chơi, lính Mỹ không được mang vũ khí, nên tôi và nhóm bạn mới thoát chết. Lên 16-17 tuổi, tụi tôi cũng chẳng biết yêu là gì. Khi phát hiện được kho hàng của căn cứ Mỹ, cả hội mò vào gặp gì vác nấy, đem về bán cho bà con quanh vùng. Kiếm được đồng nào là tiêu xài hoang phí, rồi dính vào cờ bạc, ma túy lúc nào không hay.
- Thế nghĩa là anh từng nghiện ma túy?
- Khi có 6 người bạn trong nhóm bị lính Mỹ bắn chết cũng là lúc tôi nghiện nặng. Suốt 4 năm trời, tôi sống trong tủi nhục, ê chề, người không ra người, thú không ra thú vì đói thuốc. Sau đó, tôi quyết tâm cai nghiện vì mình nghĩ chỉ có một thân một mình, phải tự cứu lấy đời mình. Một anh trong đoàn hát thương tôi, khuyên tôi nên tập tạ, uống rượu để đè cơn nghiện xuống mỗi khi thèm thuốc. Trải qua một năm vật vã, khổ sở, tôi mới từ từ dứt hẳn. Tôi biết mình vẫn còn may mắn chán.
- Lúc đó, vì lý do gì mà anh đi theo đoàn hát?
- Vì lâu lắm rồi kể từ khi lưu lạc, tôi mới gặp những người nói giọng Sài Gòn giống mình. Không ngờ rằng, sân khấu là nơi đã cứu đời tôi. Nếu không có nó, tôi đã chết vì chiến tranh, ma túy hay đâm chém. Trải qua đủ thứ việc như kéo micro, làm nhân viên hậu đài, soát vé... dần dần tôi được giao vai phụ, vai chính và cảm thấy mê nghề, yêu nghề từ lúc nào không hay.
- Bao nhiêu phen tự tử, nằm hấp hối trên giường bệnh mà kỳ diệu là anh vẫn sống. Anh có nghĩ mình là người cao số?
- Tôi cũng chịu, không lý giải nổi chuyện này. Lúc đau đớn quá, tôi chỉ mong cái chết đến nhanh với mình. Lần tôi thắt cổ bằng dây cáp truyền hình, chẳng hiểu sao sợi dây dày và to như thế lại bị đứt như có một phát dao chặt ngang. Trong giờ phút hấp hối, tôi tưởng đã chết rồi khi nhìn thấy rõ ràng mình đang nằm trong quan tài, vây xung quanh là kèn trống, bạn bè đến tiễn đưa. Sợ quá, tôi không dám nhúc nhích. Tỉnh dậy, việc đầu tiên tôi làm là chạy ra cửa xem đám tang có tổ chức không. Không thấy gì, tôi mới tin mình đang nằm mơ.
- Sinh ra trong thời chiến, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lưu lạc giang hồ, tình duyên trắc trở, đến cuối đời vì bệnh tật hiểm nghèo phải chia tay với một thứ mà anh quá thương yêu - sân khấu. Đúng là số phận đã quá khắc nghiệt với anh. Anh nghĩ gì về điều này?
- Nếu nhìn lại quãng đời đã qua thì tôi chỉ khổ lúc mồ côi cha mẹ. Còn sau này, dù khó khăn rất nhiều nhưng tôi vẫn thấy cuộc đời ưu ái, bù đắp cho mình. Những người khác thường than khổ vì họ muốn nhiều quá. Riêng tôi chỉ muốn đủ. Tôi đã có người phụ nữ để yêu thương suốt cuộc đời này, được công chúng ít nhiều biết đến qua các vai diễn, được đi đó đi đây, được sống cạnh những người bạn tri âm, được thực hiện ước mơ mở quán từ thiện.
- Khách quan mà nói, người làm từ thiện có 2 dạng. Thứ nhất là bản chất người ấy vốn có tính hướng thiện. Thứ hai là họ sám hối vì mắc phải nhiều tội lỗi trong quá khứ. Anh thuộc dạng nào?
- Tôi không thuộc dạng nào cả. Tự hào mà nói, nếu không kể vài ba điều nhỏ nhặt làm mất lòng bè bạn, tôi chưa bao giờ mắc lỗi lầm với ai. Như tôi đã nói, công việc từ thiện là ước mơ từ lâu của tôi. Bởi khi xưa tôi nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Dù không hề quen biết nhưng khi tôi nằm bệnh viện, có người biết tin, sắc thuốc mang đến cho tôi uống, có người hái lá cây này, cây kia... Hay lúc tôi đang nằm nhà dưỡng bệnh, có cụ già ghé quán ăn xong vào đưa tôi tờ báo: "Báo mới bữa nay, chú coi đi" khiến tôi rất cảm động.
Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Biết đâu trong số những người đến bếp cơm chay từ thiện trong quán Gà vườn Vợ thằng Đậu lại có con cháu của những người từng giúp đỡ tôi. Tôi luôn tâm niệm, của cho không bằng cách cho nên nhân viên của tôi luôn tế nhị trong cung cách phục vụ.
- Vậy anh đã tính đến chuyện khi anh nằm xuống, bếp cơm từ thiện này sẽ ra sao?
- Nó sẽ vẫn tiếp tục hoạt động. Tôi đã họp tất cả nhân viên lại, nói họ cứ yên tâm ở lại đây vì tôi đã chuẩn bị mọi thứ. Những ai có nhu cầu muốn học nghề, học văn hóa phổ thông, học tiếng Anh đều được đáp ứng. Tôi có nhận một đứa con nuôi. Nó là người rất có tâm với bếp cơm chay này nên tôi tin nó sẽ đảm nhận tốt công việc mà tôi giao phó.
- Nếu có một điều ước cuối cùng cho riêng mình, anh sẽ ước gì?
- Tôi ước sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Chỉ tiếc một điều tôi học ít quá mặc dù lúc nào cũng thèm học. Tôi không muốn bị mang tiếng là nghệ sĩ mà không được học tới nơi tới chốn. Nhưng có lẽ bây giờ không còn kịp nữa rồi.
(
Theo Mỹ Thuật)