Nhạc sĩ Đăng Tiến chơi clarinet, piano, guitar rất giỏi của các phòng trà, vũ trường Sàigòn từ cuối thập niên 50 đã ra đi. Không hiểu sao báo chí Sàigòn không có một lời thông báo nào về một tài năng xuất chúng từng làm “chef orchestre” cho 5 ban nhạc lớn của Saigon gần 60 năm trước. Không một lời phân ưu hay thông báo, ngoại trừ một bài báo cũ của Anh Hải Ninh phỏng vấn nhạc sĩ Đăng Tiến trên báo Thanh Niên từ tháng 7 năm 2002, lúc đó người nhạc sĩ này đã 69 tuổi. Xin mời độc giả theo dõi bài phóng sự này.
- Hỏi: Nguồn ca khúc nước ngoài ông có được nhanh nhất từ đâu?
- Đăng Tiến: Sài Gòn thời đó, buổi sáng, các rạp chiếu phim gì, đến đêm ở các phòng trà, khách hay yêu cầu ca sĩ hát ca khúc chính trong phim đó. Để đáp ứng nhu cầu này, sáng sớm tôi phải đem máy cassette vào rạp ghi âm, rồi về nhà nghe thật nhiều lần mớ âm thanh hỗn tạp để tách ra cho được ca từ, giai điệu bài hát. Dạy cho ca sĩ hát chính xác là một chuyện, còn phải phân tích nội dung ca từ, có như thế họ mới thể hiện ăn khớp với tình cảm bài hát.
- Hỏi: Giá cao nhất cho việc dạy một bài hát nước ngoài thời đó là bao nhiêu?
- Đăng Tiến: Vào thời điểm gạo nàng hương giá 600 đồng/tạ, khi có bài hay, các ca sĩ nổi tiếng xin độc quyền ca khúc mới trong vòng 3 ngày với giá 500 đồng, có nghĩa là bước sang ngày thứ tư tôi mới được phổ biến bài cho ca sĩ khác.
- Hỏi: Ông huấn luyện các ca sĩ như thế nào?
- Đăng Tiến: Trong việc huấn luyện ca sĩ, tôi thường kiểm tra chất giọng mỗi người, phân loại xem ai phù hợp loại tiết điệu nào như Jazz, Boléro, Rumba... sau đó hướng cho họ theo chuyên sâu. Chính vì vậy, tôi có thể giúp họ phát huy cao nhất chất giọng và hạn chế được chuyện ca sĩ hát giống nhau. Dù đã thành danh, nhưng vì không có phương tiện băng đĩa, thông tin như ngày nay, ca sĩ muốn có bài hát mới phải đi học và thường mỗi ca sĩ làm việc với tôi khoảng 5-7 năm.
- Hỏi: Ngoài các ca khúc Anh, Pháp, làm thế nào ông có thể dạy ca khúc một số nước khác?
- Đăng Tiến: Tôi đã dạy cho các ca sĩ thời bấy giờ ca khúc của các nước như Anh, Pháp, Philippines, Thái Lan, Nhật. Thế mạnh nhất là gần như độc quyền ca khúc Hàn Quốc, nhờ quen một số nhạc sĩ nước này họ cung cấp đĩa nhựa, tôi chép nhạc và họ giúp phiên âm, đọc, hát thật chuẩn. Tôi nhớ nhiều khách Hàn Quốc đã khóc khi nghe ban nhạc chúng tôi biểu diễn các ca khúc của xứ họ.
- Ông có thể nhớ mình đã dạy cho những ai?
- Đăng Tiến: Nhiều lắm, không nhớ nổi, trừ một số người nổi tiếng như Ngọc Mỹ, Yến Hương, Mary Linh, Linh Đa, Kim Bằng, Kim Xuân, Thiên Nga, Mỹ Khanh... Thật tiếc, trong một chuyến đi Pháp, tôi bị mất cả va li đựng toàn bộ các ca khúc mà tôi chép tay bấy nhiêu năm cùng toàn bộ hình ảnh tư liệu về hoạt động nghệ thuật của mình. Đối với ca sĩ, để dạy họ, tôi chép tay các ca khúc, đóng thành từng cuốn, in số thứ tự ở gáy cuốn sách.
Phần trên, là bài phỏng vấn nhạc sĩ Đăng Tiến của nhà báo Hải Ninh, dưới đây là những kỷ niệm mà sau khi Ông qua đời, Trần Quốc Bảo đã thực hiện một vòng phỏng vấn các nghệ sĩ như Ngọc Mỹ, Linh Phương, Ngọc Hiếu, Kiều Loan, Mary Linh, Mai Ngọc Khánh, Ngọc Minh, Diễm Hương, Yến Hương, Mai Lệ Huyền.. Có người nói chuyện không ngừng về những kỷ niệm xưa. Có người ở xa như Kim Vui, Bạch Yến, Carol Kim thì dặn dò: “Bảo nhớ cho chị gửi lời phân ưu đến gia đình, đừng quên nhé em”. Sau đây là một số ký ức tươi đẹp một thời mà các nghệ sĩ đã dành cho nhạc sĩ Đăng Tiến khi vừa nghe tin Ông nằm xuống.
- MARY LINH hiện sống ở Houston (Texas). Khi hỏi về kỷ niệm với người quá cố, Mary Linh đã trả lời: “Hi Bảo. Anh Đăng Tiến là thầy của chị, là một đồng nghiệp, và cũng là người bạn rất thân. Anh là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng. Thời của chị, anh Đăng Tiến rất hiền lành và vui tánh. Lần cuối gặp anh ở Pháp không ngờ lần đó là buổi cơm cuối cùng với anh. Anh đi chơi ở đâu là có chị hát ở đó. Sau mỗi lần học hát là hai thầy trò đi ăn với nhau. Lúc làm việc, anh rất nghiêm khắc, cho nên chị được thành công là nhờ anh tất cả”. Mary Linh còn gửi tặng người viết một tấm ảnh lúc cô đang hát cùng với tiếng kèn phụ họa của nhạc sĩ Đăng Tiến tại Club Kontiki năm 1964.
- LINH PHƯƠNG rất xúc động khi nghe tin buồn ra đi của nhạc sĩ Đăng Tiến. Trong lá thư email gửi người viết, chị ghi: “Hi Quốc Bảo! Khoảng năm 63, 64.. lúc chị hát ở Club Kontiki thì anh Đăng Tiến làm ở đó, Linh Phương phải đến ảnh để tập những bài hát mới hầu trình diễn mỗi đêm. Anh em cùng chia sẻ kỷ niệm sân khấu với nhau rất nhiều. Có năm Linh Phương mang bầu nghỉ một thời gian, khi trở lại làm thì anh Đăng Tiến vẫn còn chơi ở Kontiki, thế là anh em lại cùng nhau tập dợt tiếp.. Linh Phương hát voi anh Đăng Tiến cũng khá lâu, nhưng sau 1975 anh em không có dịp liên lạc với nhau. Linh Phuong xin cầu nguyện cho linh hồn Anh được mau về cõi trên. Thành thật chia buồn cùng gia quyến”.
Cũng nên nhắc lại, cuối năm 1970, nhạc sĩ Chấn piano đứng ra thành lập nhóm Pink Clouds (Tam Ca Mây Hồng) với bộ ba Linh Phương, Ngọc Hiếu, Ngọc Anh (em gái Khánh Ly) hát ở Queen Bee và nhiều phòng trà, vũ trường khác ở Saigon. Sau đó một năm, Linh Phương cùng Yến Xuân, Mỹ Dung cả ba gộp thành Ba Cái Chuông Vàng.. Đây là thời gian, Linh Phương được yêu thích qua những bài hát Oui Devant Dieu, Parlez Mon Amour.. do thầy Đăng Tiến hết lòng chỉ dẫn.
- NGỌC MỸ, một nữ ca sĩ nổi tiếng với giòng nhạc ngoại quốc từ những năm 1962-1963 tại Việt Nam. Cô và Pat Lâm cùng ban nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh tạo được nhiều tiếng vang khi đi trình diễn ở các Club Mỹ miền Nam, sau này năm 1968 có thêm Elvis Phương tạo thành một bộ ba rất ăn khách trong những giòng nhạc trẻ nước ngoài. Khoảng năm 1970, cô rời VN đến Hawaii trình diễn suốt mấy chục năm qua và đã quyết định dọn về sống ở Cali từ cuối năm 2012.
Khi nhận tin nhạc sĩ Đăng Tiến từ trần, Ngọc Mỹ gửi người viết một lá thư email, trong đó có những giòng kỷ niệm tưởng nhớ đến một người thầy, người Anh mà cô vẫn luôn quý trọng. Ngọc Mỹ ghi trong thư như sau: “Yes, he was my teacher, a wonderful man. We worked together at Kontiki restaurant along with other singers, Ngoc Hieu is also his student. I am sorry for writing in English, it is easier for me. Cám ơn my Brother QB”.
- DIỄM HƯƠNG: Mặc dù chị đã giã từ ca hát khá lâu nhưng kỷ niệm với âm nhạc, với Saigon trước 75 vẫn còn nguyên vẹn. Đó là những tháng ngày Diễm Hương bỏ thì giờ tập hát với thầy Quang Anh, thầy Đăng Tiến.. Khi hỏi: “Chị có thuộc tên những bài hát nào của ngày xưa ấy hay không?”.. Lẩm nhẩm vài phút, Diễm Hương cười khúc khích: “Chị nhớ anh Đăng Tiến có tập cho chị bài hát Chinese Night bằng tiếng Hoa, rồi nhạc Mỹ có What Now My Love rất hay, bài đó như thế này:
“What now my love
Now that you left me
How can I live through another day
Watching my dreams
turn into ashes
And all my hopes into bits of clay
Once I could see, once I could feel”
Hai người đẹp Tố Liên, Tố Nga ngồi cạnh người viết còn nhắc: “Hai bài này Diễm Hương từng hát trên phòng trà Majestic do Diễm Hương làm chủ năm 1970. Hàng đêm, ở nơi đây có những giọng ca nổi tiếng cộng tác như Kim Vui, Túy Phượng, Túy Hoa, Thanh Mai, Thanh Tâm, Hoàng Hạc.. “. Diễm Phúc bổ túc: “Thời đó, dân chơi thích đi phòng trà này vì khung cảnh lịch sự sang trọng của nó. Nó nằm trên tầng 5 lầu cao nhất của khách sạn Majestic ở cuối đường Tự Do, mặt khách sạn ngó ra bờ sông Saigon rất mát. Bốn tầng lầu dưới là khách sạn, và có những phòng hội nghị dành cho mấy ông lớn thật là sang trọng”.
- Đón đọc số tới: Những giòng chia sẻ kỷ niệm của Phượng Khanh, Kiều Loan, Ngọc Hiếu, Mai Ngọc Khánh, Ngọc Minh, Yến Hương, Mai Lệ Huyền.. về sự ra đi của nhạc sĩ Đăng Tiến.
CHUYỆN BÊN LỀ TRONG NHỮNG NGÀY TANG LỄ NHẠC SĨ ĐĂNG TIẾN
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ghé viếng lần cuối chia buồn cùng gia đình nhạc sĩ Đăng Tiến ngày 13 tháng 7 năm 2014 (Ảnh TMH)Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ghé viếng lần cuối chia buồn cùng gia đình nhạc sĩ Đăng Tiến ngày 13 tháng 7 năm 2014 (Ảnh TMH)
Sau một thời gian vướng bịnh nặng, nhạc sĩ Đăng Tiến đã ra đi vào lúc 11g00 trưa ngày thứ bẩy 12 tháng 7 năm 2014 tại Sàigòn. Một số thân tình đã đến viếng linh cửu Ông tại tư gia và sau đó sẽ được đem hỏa tang tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa vào ngày 15 tháng 7. Trong suốt 3 ngày khách đến viếng, có những câu chuyện vui buồn bên lề diễn tiến, xin mời bạn đọc theo dõi bài viết của Anh T.M. Hùng, người con rể của nhạc sĩ Đăng Tiến đã ghi lại dưới đây:
“Nhạc sĩ Đăng Tiến vừa mất. Sau gần một năm chống chọi lại căn bệnh tắc nghẽn phế quản thời kỳ cuối, cùng một số căn bệnh khác do tuổi cao sức yếu. Ông được bệnh viện Thống Nhất cho về tư gia và trút hơi thở cuối cùng tại đây vào lúc 10 giờ 58 phút.
Trải qua vòng đời: Sinh - lão - bệnh - tử với đủ mọi thứ cung bậc cảm xúc về niềm đau và hạnh phúc. Từ lúc ông mất cho đến khi thân xác được mang đi hỏa táng, căn nhà xưa nay im ắng bỗng trở nên nhộn nhịp. Những câu chuyện xưa được mang ra khơi gợi. Những người quen biết ông, hầu như ai cũng có một hay vài điều tâm sự, nhắc nhớ về ông. Trong vài ba ngày mà tôi đã gặp gỡ với hàng trăm con người (tôi chụp ảnh cho ông) . Điều tôi thấy! Những người có lòng thương cảm chân thành khi nhắc đến ông thường là những người lớn tuổi. Phần lớn những người trẻ, thành đạt đến đây chỉ hỏi thăm qua loa, lấy lệ về người chết. Sau đó họ hăm hở lao vào nhau bù khú đủ thứ chuyện tào lao “thiên địa”. Họ tiếp thị chuyện làm ăn buôn bán. Không biết có bao nhiêu “cái ghi nhớ” được thông qua ? Chỉ cách quan tài chừng vài mét. Thật bất nhẫn! Thật may! Tôi cũng nhận được những lời an ủi, chia sẻ từ những người bạn thân thiết và gia đình họ, những Tỵ, Tuyết, Hưng, Mỹ, Vàng, Chiến..
Sáng chủ nhật, ngày 13-7-2014- Có một người khách đặc biệt đến viếng Phero Nguyễn Đăng Tiến. Ông là bạn rất xưa, từ những năm 60. Ông sinh năm 1939 (LTS: Theo tư liệu thì Nguyễn Ánh 9 sinh năm 1940) và hiện nay là một nhạc sĩ nổi tiếng. Rất nhiều thế hệ ca sĩ nhạc sĩ đã chịu ảnh hưởng của ông về thị hiếu thẩm mỹ và triết lý trong âm nhạc. Dì của chúng tôi, ca sĩ Mỹ Khanh, vợ của nhạc sĩ Đăng Tiến đưa khách vào viếng. Bà lấy tay xoa nhẹ lên di ảnh của cố nhạc sĩ và nói “Anh ơi! Có bạn anh, anh Nguyễn Ánh 9 đến thăm nè!”. Sau một lúc chế ngự cơn xúc động, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã làm tất cả những người đang có mặt bất ngờ khi ông nói thật chậm rãi: “Không! Tôi không phải là bạn của Đăng Tiến! Tôi chỉ là học trò của ông”.
Sau đó nhạc sĩ chậm rãi kể chuyện ngày xưa: Vào thập niên 60- 70, Nguyễn Ánh 9 từng là nhạc công, là người chơi trong ban nhạc “Đăng Tiến”, do bố tôi ngày ấy là nhạc sĩ Đăng Tiến làm chef orchestre. Người nhạc công năm xưa, giờ là một nhạc sĩ danh tiếng . Ông thành danh từ khi còn trẻ đến tận bây giờ. Những lời nói chân thành, cử chỉ khiêm cung của ông còn theo tôi mãi đến lúc đang viết những dòng chữ này. Ông đã mang đến cho chúng tôi một thông điệp sáng ngời nhân bản. Chúng tôi từng được gặp ông vài lần, còn được ông ký tặng tuyển tập nhạc Nguyễn Ánh 9. Cô em vợ của tôi còn “bật mí” người vợ mà nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thương yêu, sống suốt mấy mươi năm đến giờ là do ba vợ tôi, nhạc sĩ Đăng Tiến mai mối.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 xin 3 cây nhang. Qua người quen, ông và vài người bạn bên Mỹ mới hay tin nhạc sĩ Đăng Tiến mất. Ông thắp nhang cho mình, ca sĩ Carol Kim và ca sĩ Minh Hiếu (LTS: Theo lời Nguyễn Ánh 9, ông đến thắp 3 nén nhang: một cho ông và 2 nén ngang kia là thắp hộ cho Mary Linh và Ngọc Hiếu ở tận Hoa Kỳ). Vào buổi chiều tối, một phụ nữ luống tuổi đến viếng linh cửu đã ôm dì chúng tôi và nói: Chúc mừng! Chúc mừng! Để chữa thẹn cho bà, dì nói: “Cũng phải! Chúc mừng Đăng Tiến ra đi nhẹ nhàng, thanh thản”.
Saigon, ngày 16-7-2014.
T.M.H
NS Nguyễn Ánh 9 chia buồn với gia quyến (Ảnh TMH)NS Nguyễn Ánh 9 chia buồn với gia quyến (Ảnh TMH)




