gửi bởi tancogiaoduyen » Thứ 6 Tháng 4 03, 2009 10:38 pm
[shadow=violet][glow=gold] Đêm tưởng niệm nhạc sĩ Trường Kỳ
[/glow][/shadow]
Khoảng 600 người đến tham dự đêm tưởng niệm nhạc sĩ Trường Kỳ.
Khán giả đua nhau chụp hình những ca nhạc sĩ của thời nhạc trẻ trước năm 1975.
Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt
SANTA ANA, California (NV)- Ðêm tưởng niệm nhạc sĩ Trường Kỳ vừa mới ra đi vào tuần lễ trước tại Montreal, Canada, đã diễn ra thật cảm động tại nhà hàng Emerald Bay, Santa Ana, vào tối hôm Thứ Năm 2 tháng 4 với khoảng 600 người tham dự. Thân hữu bạn bè và giới nghệ sĩ cùng những người thương mến người nhạc sĩ tài hoa và rất có lòng này đã chen chúc nhau đứng ngồi kín chỗ trong nhà hàng trong nhiều tiếng đồng hồ.
Buổi lễ tưởng niệm nhạc sĩ Trường Kỳ, theo ban tổ chức loan báo rộng rãi là không bán vé cũng như không nhận bất cứ một đóng góp nào.
Ðứng ra tổ chức buổi tưởng niệm này chủ chốt là tám văn nghệ sĩ gồm Joe Marcel, Nam Lộc, Kỳ Phát, Công Thành, Tùng Giang, Hoàng Thi Thao, Thế Dũng và Trung Nghĩa. Bên cạnh đó là hàng chục ca nhạc sĩ tiếng tăm ở hải ngoại cùng đến hát để nhớ về Trường Kỳ. Và những người đến tham dự vừa để bầy tỏ lòng thương yêu người nghệ sĩ đã đóng góp nhiều công sức vào nền nhạc trẻ trước 1975 vừa để cùng giới ca nhạc sĩ vào thời bấy giờ ôn lại một thời để yêu và một thời để chết vì cuộc chiến tranh tàn khốc quốc cộng đã kéo dài quá lâu đang đe dọa tuổi trẻ.
Nhìn chung trong số người đến tham dự thấy đa số là trong lớp tuổi từ 40 đến ngoài 60, lớp tuổi được nghe, được biết về Trường Kỳ qua những đại hội nhạc trẻ ngoài trời mà Trường Kỳ đã đứng tổ chức cùng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị VNCH để giúp Quỹ Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ, quỹ Cô Nhi Quả Phụ... Những đại hội nhạc trẻ ấy đã thường xuyên thu hút hàng mấy chục ngàn người đã trở thành những ghi dấu một thời của dân và lính trong miền đất tự do VNCH.
Những ca sĩ của một thời chinh chiến điêu linh cũng kéo nhau đến khá đông. Nào Thanh Lan, Tuấn Ngọc, Uyên Vi, Lệ Thu, Thanh Mai, Ngọc Hiếu, Minh Xuân, Minh Phúc, tam ca Ba Con Mèo và dĩ nhiên là cả những bạn bè thân thiết của Trường Kỳ như Nam Lộc, Tùng Giang, Thế Dũng, Ngọc Trọng, Công Thành và Lynn đều có mặt. Mỗi người lên sân khấu đều kể một câu chuyện, một tâm tình với người vừa ra đi mà hình ảnh còn đang rỡ ràng trên một bàn thờ nhỏ có hình ảnh và chiếc kính cận bất ly thân của anh, ngay lối vào để mọi người có thể dâng một nén hương lòng với người quá cố.
Nhạc sĩ Nam Lộc mở đầu đêm tưởng niệm Trường Kỳ qua những xúc động trước sự mất mát một người bạn mà theo Nam Lộc là “một người bạn thân nhất đời của tôi được thiên hạ gọi là ông Vua Hippy nhưng lại hiền như Bụt và cũng được thiên hạ mệnh danh là Vua Nhạc Trẻ dù anh chẳng biết đàn mà cũng không biết hát... Nhưng anh đã là người đi tiên phong trong phong trào Việt hóa nhạc trẻ để kéo tuổi trẻ về nguồn qua những lời Việt phỏng dịch ý nhạc ngoại quốc, nhắc nhở đến tình cảm, quê hương VN...”
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thao cũng tiết lộ: “Ðêm tưởng niệm này được tổ chức do một số anh em bạn bè của Trường Kỳ đã chỉ được bàn thảo với nhau qua email, không có được một cuộc họp mặt nào vì thời gian quá gấp rút, nhưng thật là xúc động biết bao khi tất cả chúng ta đã cùng nhau tổ chức được một đêm tưởng niệm đầy chân tình và đông đúc như thế này”.
Nhạc sĩ Joe Marcel, một nghệ sĩ đã từ lâu “gác kiếm” không xuất hiện trong sinh hoạt cộng đồng nay cũng “ra khỏi tháp ngà” tới cùng anh em nhớ đến Trường Kỳ. Joe Marcel thổ lộ: “Tôi là người đã lôi Trường Kỳ vào con đường gió bụi” và Joe Marcel đã cất tiếng hát bài “Merci! Cherie” nhạc trẻ thời danh của Pháp lời Việt của Trường Kỳ để nói với Trường Kỳ trên bàn thờ kia rằng: “Tất cả anh em bạn hữu, bà con cộng đồng không bao giờ quên được Trường Kỳ”.
Nhớ đến Trường Kỳ, ký giả Kỳ Phát, một bạn thân của Trường Kỳ đã nhắc đến tiểu sử của Trường Kỳ qua những hoạt động của anh từ văn học, báo chí, điện ảnh đến ca nhạc. Trường Kỳ đã đóng góp vào nền văn học nghệ thuật VN không chỉ trong lãnh vực ca nhạc mà còn cả trong lãnh vực văn chương. Anh là một ký giả xuất sắc, là một nhà văn đã để lại cho đời một số tác phẩm nghiên cứu và sưu tầm âm nhạc, giới thiệu gần 1 ngàn khuôn mặt văn nghệ sĩ cả đã nổi danh cũng như mới bước chân vào sự nghiệp.
Gần 40 văn nhân, ca nhạc sĩ và tài tử đến xây dựng chương trình tưởng niệm Trường Kỳ đã dựng lại cả một thời nhạc trẻ trước 1975 bằng âm thanh, nhất là vào giai đoạn cuộc chiến tranh đi đến hồi quyết liệt khi Mỹ rút quân đi để mặc quân lực VNCH đơn phương lãnh nhận cuộc chiến của cả thế giới cộng sản tiếp sức cho các đoàn quân Bắc Việt.
Những ca khúc thời danh của thế giới được Trường Kỳ viết lời Việt đã được các ca sĩ Thanh Lan, Thanh Mai, Tuấn Ngọc, Công Thành, Lynn, Thế Vũ, Ngọc Trọng, Ngọc Hiếu... lần lượt cất lên nhắc lại cả một thời son trẻ mà tâm tư nặng nề chinh chiến. Tuổi trẻ khát sống, tuổi trẻ thèm yêu thương, tuổi trẻ cần “Peace Now, Not War”, tuổi trẻ cần tương lai... nhưng tất cả đã bị chiến tranh làm cằn cỗi, bị chiến tranh đẩy ra đương đầu với nỗi chết không rời. Bên cạnh hai dòng nhạc “nhạc thời chinh chiến” với Nhật Trường, Lam Phương, Anh Bằng và hầu hết các nhạc sĩ khác cùng với dòng “nhạc phản chiến” với Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ... thì dòng nhạc trẻ của các nhạc sĩ trẻ như Trường Kỳ, Tùng Giang, Nam Lộc đã như một hòa giải hai dòng nhạc trên. Nhạc trẻ được cả lớp thanh niên phản chiến cũng như đang tham chiến trong các quân binh chủng của VNCH ưa thích. Xuất phát từ những chương trình “Nhạc ngoại quốc êm dịu trên các đài phát thanh Quốc Gia và Quân Ðội từ thập niên 60, nhạc trẻ bùng lên với phong trào hát trong các “Club” Mỹ. Nhiều ban nhạc và tam ca tứ ca đã nổi danh trong các Club Mỹ nhưng với công chúng VN thì lại ít được biết. Khi quân Mỹ rút đi, phong trào nhạc trẻ bỗng như bùng thoát ra khỏi các Club Mỹ và đi sâu rộng vào giới trẻ đương thời. Tâm trạng của họ lúc bấy giờ là “cùng dưới bầu trời này sao ở Mỹ, ở Pháp, ở Anh và ở nhiều nơi khác, tuổi trẻ đang được yêu được sống, được tư do lo lắng đến tương lai của mình mà sao ở VN tuổi trẻ lại phải khốn cùng thế này. Trong quân ngũ thì hàng phút hàng giờ phải đương đầu với nỗi chết không rời. Ngoài quân ngũ thì thấp thỏm lo âu ngày đi trình diện. Chiến tranh đã làm cho mọi người trẻ già lớn bé đều quá mệt mỏi chán nản muốn buông xuôi. Thì chỉ còn những dòng nhạc của tuổi trẻ thế giới đang được yêu, được sống dội đến Việt Nam là có thể vỗ về an ủi để trốn tránh hiện tại không thể chối bỏ được.