gửi bởi tancogiaoduyen » Thứ 2 Tháng 1 09, 2006 9:26 pm
Mỗi Khi Người Đưa Tiễn Người...
HOÀNG DƯỢC SƯ
Đời sống mỗi khi
Người đưa tiễn người
Trịnh Công Sơn
Hoàng Dược Sư
Bây giờ tiễn đưa Nguyễn Hiền, tôi không giám thổi kèn để nhớ lại những buổi ông ngồi đệm đàn cho tôi, vì ở đây, giữa chốn ba quân,ï nhỡ thổi non một nốt sẽ làm ông xì nẹc.
Tôi không đọc kinh, nhưng tôi nhẩm hát những bài hát của ông, vì tin rằng dòng âm thanh mà ông đã tạo cho cuộc đời này, sẽ dẫn độ ông vào một thế giới cũng tràn đầy âm thanh ở cõi bên kia.
Tôi thường đùa gọi Nguyễn Hiền bằng hỗn danh: “Thiên lý thẩm âm đại sư”, một cao thủ có thể nghe âm thanh từ xa ngàn dặm.
Đám tang thật vui với đầy đủ bạn bè và ân tình, dù trời đất sầu thảm trong một cơn mưa gió bất chợt đổ xuống, như tiếng khóc nức nở bất chợt không kém của nhạc sỹ Hoài Khanh.
Ở tuổi tôi bây giờ, “cố hữu như hoàng điệp”, như những chiếc lá mùa thu lác đác, đẹp buồn bã và mất còn bất chợt chẳng hẹn hò gì. Phải chấp nhận như vậy thôi.
Dù vẫn biết và vẫn cố tin là, trong khởi đầu đã có kết thúc, nhưng quả đúng như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng viết, vẫn có một điều gì “gần như niềm tuyệt vọng” khi nhìn những tấm hình của Nguyễn Hiền thời trai trẻ, má thắm môi hồng, dõi theo bước thời gian âm thầm trong những bức ảnh kế tiếp và... đến bây giờ... ở chặng cuối của con đường tỵ nạn.
Ngày đám tang, tôi rời khỏi nhà sớm hơn giờ ấn định, chạy lòng vòng một hồi không chủ đích và bỗng nhiên thấy mình có mặt ở nhà hàng Tài Bửu, một chỗ tôi rất ít khi đến. À thì ra tôi đã tìm đến đây như một phương cách tuyệt vọng, để tự chứng minh rằng, những gì tôi được nghe trong suốt tuần qua về căn bệnh vô phương cứu chữa của ông bạn vong niên Nguyễn Hiền, hay bây giờ, tôi đang đi đến đám tang của ông, chỉ là những chuyện không có thật. Không thể có thật vì mới cách đây chưa tới hai tuần lễ tôâi còn ngồi ở đây với ông và bè bạn.
Sờ tay xuống mặt ghế chỗ ông ngồi, nghe như còn chút hơi ấm và mọi hình ảnh còn nguyên vẹn linh hoạt.
Chính ông đã lái xe tới đây, ngồi xuống chiếc ghế này, chậm chạp, kiểu cách và anh chị một chút như thông lệ, bên cạnh là thi sỹ Hoàng Thượng Dung và nhạc sỹ Từ Công Phụng.
Phụng thuộc tất cả những bản nhạc của Nguyễn Hiền, ông ta ngồi hát khơi khơi không cần đàn trống gì cả. Tôi cũng phụ họa hát nhỏ theo.
Mẹ ơi thôi đừng khóc nữa
Cho lòng già nặng sầu thương
Con đi say tình đất nước
Đâu có quên tình cố hương.
Một buổi sáng êm đềm không biến cố ở quận Cam, tiểu bang Cali, giọng Từ Công Phụng đầm ấm giữa bạn bè và tình thân. Nguyễn Hiền lim dim mắt lắng nghe và đây là lần cuối cùng ông được nghe người ta hát nhạc của mình.
Tôi không có cơ may được quen Nguyễn Hiền ở Sàigòn. Khoảng cách tuổi tác và dị biệt nghề nghiệp không cho chúng tôi trùng phùng, dù tôi vẫn nghe nhạc của ông, và giao du thân mật với những người quen biết ông như nhạc sỹ Y Vân, Hồng Duyệt, Vĩnh Căn. Lời khen, tiếng chê đề huề.
Nhạc sỹ Nguyễn Hiền kẹt lại Việt Nam, ông sang Mỹ rất muộn khoảng năm 1987-88 gì đó. Bạn tôi, ông bác sỹ Phạm Gia Cổn, một bữa đột nhiên gọi điện thoại nói: “Nguyễn Hiền mới tới Mỹ, mình chạy lại thăm ông ấy một chút”.
Cổn lái xe đưa tôi tới nhà Nguyễn Hiền, lúc đó là một appartment gần ngã tư Magnolia -Bolsa. Câu chuyện đối đáp cũng tầm tầm, cho thấy, có thể Cổn không hề quen Nguyễn Hiền từ trước, sự hồ hởi khi kéo tôi tới thăm ông nhạc sỹ này cũng không ngoài lòng yêu văn nghệ của Cổn.
Tuy nhiên, sau đó, mối giao tình giữa chúng tôi nẩy nở thật mau. Một bữa, thấy được cây đàn dương cầm nhỏ, loại Spinet, bán ở tiệm đồ cũ Goodwill, giá $500, tôi và Cổn hùn tiền mua tặng ông. Đàn không tốt lắm với tai nghe nhạc chuẩn đích của Nguyễn Hiền, nhưng nhỏ nhắn hợp với appartment, nơi ông đang ở. Tôi khệ nệ chở cây đàn tới cho ông.
Mối giao tình với Nguyễn Hiền mở rộng thêm với bác sỹ Phạm Quang Thùy, phu nhân bác sỹ Thùy là ca sỹ Kim Đức. Ít lâu sau, có kèn vương Anh Hoàng từ Canada đến, nên hộâi ngày một đông và sinh hoạt nhộn nhịp vi thú hơn.
Những năm đó, chưa có phong trào văn nghệ nhà hàng, văn nghệ quán nhậu như bây giờ. Chúng tôi thường tổ chức những buổi họp mặt văn nghệ tại tư gia để hát hỏng cho tiêu sái đời tỵ nạn.
Các phu nhân rất sợ khi hai ông Nguyễn Hiền và Anh Hoàng đệm đàn, vì hai ông tổ sư rất khó tính, lại có tai nghe nhạc chính xác đến truyệt đối. Nguyễn Hiền ø đệm đàn, ai hát trật ráng chịu, “đường ta ta cứ đi”. Một bữa đang thổi kèn phụ họa cho một bà hát, tôi thấy Anh Hoàng vứt kèn, mặt sưng một cục nói: “Hát như cục c... thôi không thổi nữa”. Thực vậy, lỗ tai âm nhạc “Oreille Musical” của hai vị này thật khiếp đảm. Tôi đã làm thử nghiệm một lần là, bạn cứ việc đứng trước hai ông đó hát nghêu ngao, các ông ấy sẽ ghi lại đầy đủ lời hát của bạn thành nốt nhạc. Chẳng thế mà tôi thường đùa gọi Nguyễn Hiền bằng hỗn danh “Thiên lý thẩm âm đại sư”, một cao thủ có thể nghe âm thanh từ xa ngàn dặm.
Nguyễn Hiền có trí nhớ thuộc loại “tầm nguyên tự điển” (Memoire Encyclopedic). Một lần ông đã làm nhạc sỹ Saxophone Thanh Hùng té ngửa khi ông đọc cả số quân từ thủa nào của ông Hùng. Ngoài âm nhạc, ông cũng thích nói tiếng Pháp mà hội Francophone ở sứ Mỹ này đâu có ai, ngoài vài thằng có chút tiếng Tây ăn đong (manger acheter) như tôi.
Một lần ông than thở: “ Ông đại tướng Khánh mà nói trật mới lạ. Ông ấy nói Les communists sont en cadense avec le nouveau temps.” (Bọn Cộng sản đã bước nhịp với thời đại.) thế có chết không. Đúng vậy, đáng lẽ phải nói là en décadense tức là lỗi nhịp với thời đại.
Dù đã thật tình khai báo rằng, chút tiếng Pháp của tôi chỉ là loại ăn đong, học lóm, nhưng thỉnh thoảng, ông cũng sửa lưng tôi: “Chữ Pháp của ông vứt đâu hết rồi, tout les mondes chứ đâu có phải tout le monde!” Thầy chê, đành chịu thôi.
Một bữa, muốn kiếm bản nhạc Hoa Bướm Ngày Xưa của Nguyễn Hiền mà không có, ông bạn tôi, bác sỹ Phạm Quang Thùy đưa đề nghị tài trợ in tuyển tập nhạc Nguyễn Hiền. Tôi làm thợ in nên cũng xin tình nguyện đóng góp bằng sức lao động trong việc ấn loát.
Cấp sau này, tôi ít có dịp gặp Nguyễn Hiền để nghe ông nói tiếng Tây. Có một kỷ niệm khá cảm động còn ghi nhớ là, khi nhạc sỹ Trumpet Việt Thu qua đời. Chúng tôi, ba người bạn văn nghệ duy nhất, đến dự đám tang, trong một nhà thờ hiu quạnh. Nhạc sỹ Nguyễn Hiền ngồi vào đàn dương cầm trong lúc nhạc sỹ Thanh Hùng thổi bài Biệt Ly để đưa tiễn người bạn văn nghệ.
Bây giờ tiễn đưa Nguyễn Hiền, tôi không giám thổi kèn để nhớ lại những buổi ông ngồi đệm đàn cho tôi, vì ở đây giữa chốn ba quân, nhỡ thổi non một nốt sẽ làm ông xì nẹc.
Tôi không đọc kinh, nhưng tôi nhẩm hát những bài hát của ông, vì tin rằng dòng âm thanh mà ông đã tạo cho cuộc đời này sẽ dẫn độ ông vào một thế giới cũng tràn đầy âm thanh ở cõi bên kia.
Dù cố vui, như các bạn bè có mặt trong đám tang, những mái tóc đã bạc mầu, đã trắng xóa, những bước chân đã phải dựa dẫm trên cây gậy của nhạc sỹ Trần Trịnh, mọi người đều cố vui. Nhưng đâu đó vẫn không che được chút ngậm ngùi như cơn mưa mù mịt bên ngoài khu nhà đám.
Tôi hát tiếp câu hát của Trịnh Công Sơn:
“Đời sống, mỗi khi người đưa tiễn người
Là tôi lắng nghe hồn tôi rã rời”...ª
theo VW