gửi bởi tancogiaoduyen » Thứ 2 Tháng 1 24, 2005 11:18 am
Đôi dòng tưởng niệm về hai soạn giả tài hoa Hà Triều - Hoa Phượng
Trên trang báo sân khấu cải lương vừa qua, chúng tôi có viết đôi dòng về bài vọng cổ sau cùng của soạn giả Hoa Phượng, Trái tim Núi Sập, vừa để nhắc nhở về nơi chôn nhau cắt rốn của anh, vừa muốn nói lên phần nào tâm sự u hoài của cuộc đời một soạn giả tài hoa, phải chứng kiến bao hệ lụy thảm thương của cuộc thăng trầm lịch sử.
Soạn giả Hoa Phượng mất năm 1984, 19 năm sau soạn giả Hà Triều lại vĩnh viễn ra đi vào ngày 11 tháng 5 năm 2003 tại một căn phòng trên lầu bên cạnh rạp hát Hưng Đạo, thật lẻ loi đơn độc không có một người thân.
Sau ngày soạn giả Hà Triều mất không bao lâu, tại nhà hàng Monaco ở Little Saigon có tổ chức một buổi lễ tưởng niệm 2 soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng do Hội Cổ nhạc miền Nam kết hợp với một số nghệ sĩ cải lương và đông đảo quan khách đã từng ái mộ đến đôi soạn giả tài hoa này. Buổi lễ thật trang nghiêm và cảm động, soạn giả Yên Lang vì bận tập tuồng ở Dallas TX anh gởi lại bài viết “Đôi dòng tưởng niệm hai soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng” nhờ Lê Phú Bổn - Đài văn nghệ truyền thanh đọc trong buổi lễ.
Trước khi viết về cuộc đời và sự nghiệp của hai soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng trên trang sân khấu cải lương sắp tới, chúng tôi xin phép đan lại đôi dòng tưởng niệm của soạn giả Yên Lang, nhắc nhở về Hà Triều - Hoa Phượng.
Đôi dòng tưởng niệm về Hà Triều - Hoa Phượng
Trước tiên tôi xin cám ơn Hội Cổ nhạc miền Nam, nhà hàng Monaco, anh em nghệ sĩ cải lương và tất cả quan khách, khán giả đã trang trọng tổ chức buổi lễ tưởng niệm soạn giả Hà Triều vừa mới mãn phần tại Việt Nam cách đây không bao lâu.
Nếu chỉ nhắc đến Hà Triều mà không nhắc đến Hoa Phượng là một điều thiếu sót vì sự ràng buộc giữa hai anh thành đôi liên doanh soạn giả tài hoa, đã đóng góp cho sân khấu cải lương nhiều kịch bản để đời, từ cuối thập niên 50 cho đến năm 75.
Soạn giả Hoa Phượng mất năm 1984 và gần đây soạn giả Hà Triều cũng vĩnh viễn ra đi, vậy nhân buổi lễ tưởng niệm Hà Triều ở hải ngoại, chúng ta không thể nào quên được Hoa Phượng. Với mối đồng nghiệp với tình thân hữu, tôi xin viết đôi dòng tâm cảm gọi là thấp nén hương lòng tưởng nhớ đến đôi soạn giả tài hoa.
Khoảng năm 1958, lúc tôi còn là bạch diện thư sinh thì tên tuổi của Hà Triều - Hoa Phượng bắt đầu rực sáng với vở tuồng Khi hoa anh đào nở khai trương bảng hiệu đoàn Thúy Nga. Sau đó hai anh về cộng tác với đoàn Thanh Minh, lần lượt cho ra mắt các kịch bản : Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Khói sóng tiêu tương, Tấm lòng của biển với Nhị Kiều và nhiều kịch bản nữa … đã ăn sâu vào lòng khán thính giả.
Qua các tuyệt phẩm sân khấu của hai soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng đã giúp cho một số nghệ sĩ, diễn viên có những vai diễn để đời. Ngoài ra ngòi bút của hai anh đã đóng góp nhiều về mặt văn học, nâng cao giá trị phẩm chất của nghệ thuật sân khấu. Một công trình sáng tạo đã để lại những tác phẩm vô giá trong kho tàng nghệ thuật của nền cổ nhạc dân tộc vô cùng to lớn.
Có lần Hoa Phượng nói với tôi rằng, văn học của bộ môn cải lương có nét đặc trưng của nó, làm sao cho khán giả bình dân tiếp nhận dễ dàng và khán giả trí thức không đánh giá thấp kém. Việc này không phải bất cứ ai cũng làm được, có kiến thức không chưa đủ còn phải có một quá trình và kinh nghiệm, lăn lộn cuộc sống dài lâu với sân khấu cải lương. Anh còn giúp cho tôi một ý thức khá sâu sắc về kinh nghiệm viết tuồng, sân khấu cải lương có 2 loại hình, loại tuồng cổ phong và loại tuồng xã hội đương đại. Mỗi loại hình đều có chất văn học riêng của nó, không thể lẫn lộn giữa loại hình này với loại hình kia, khán thính giả chỉ cần nghe văn phong hoặc qua vài câu đối thoại đã biết vở tuồng đó thuộc loại hình nào. Đúng như vậy, nếu những ai đã từng xem hoặc nghe những vở tuồng cổ phong của Hà Triều - Hoa Phượng như : Đợi anh mùa lá rụng, Khói sóng tiêu tương, Trường tương tư, văn phong man mác cổ xưa, hoàn toàn khác hẳn với văn phong hiện thực trong những tuồng xã hội của hai anh.
Tôi còn nhớ 4 câu thơ trong tuồng Khói sóng tiêu tương của hai soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng:
Đêm Hàng Châu, đêm Hàng Châu
Sương the lãng đãng bạc màu sầu
Tiếng chày nện vải dài đôi bến
Xui khách thương hồ sực nhớ thu
Mênh mang chất hoài cổ của Đường thi.
Ngày trước tôi nhỏ hơn hai anh gần 10 tuổi, nhưng được hai anh xem như tình đồng nghiệp, như bạn thâm giao nên thường gặp nhau bên chum trà chén rượu. Do đó giữa tôi và Hà Triều - Hoa Phượng đầy ắp nhiều kỷ niệm, lòng tôi lúc nào cũng ngưỡng mộ, quý trọng nhân cách và tài năng của hai anh.
Trước khi sang Mỹ, tôi đã tiễn đưa Hoa Phượng về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Hội nghệ sĩ với tấm lòng bùi ngùi, thương tiếc. Giờ đây được tin Hà Triều nối bước theo Hoa Phượng lìa bỏ cõi đời ô trọc về một thế giới xa xôi nào đó, không biết có tiếng đàn dìu dặt, có ánh đèn sân khấu huyền ảo đêm đêm?
Đêm đêm thao thức cùng trang giấy
Nắn nót từng câu vọng cổ buồn
Dựng tượng uy nghi bao nghệ sĩ
Cuộc đời còn lại nỗi cô đơn.
Xin gởi hết tấm lòng tiếc thương, hoài niệm đến đôi soạn giả tài hoa Hà Triều - Hoa Phượng.
Nam Cali ngày 22/05/2003
Phạm Hà Nam