Đôi vợ chồng nghệ sĩ Tám Văn
và soạn giả Nhị Kiều thời trẻ
Người viết nhiều tuồng nhất Việt Nam
Vợ là một soạn giả nổi tiếng, chồng là kép chính của đoàn Thanh Minh Thanh Nga, một đoàn cải lương lớn bậc nhất ở đất Sài Gòn vào những năm 1950-1970. Đôi vợ chồng nghệ sĩ Tám Văn - Nhị Kiều từng gây nhiều tiếng vang, được nhiều người ái mộ ngày nào hiện có một cuộc sống khá đạm bạc.
Năm nay đã 87 tuổi, vậy mà hàng ngày soạn giả Nhị Kiều vẫn âm thầm đọc sách, viết tuồng. Cuộc sống tuy nghèo nhưng có thể nói bà đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Những ký ức khó quên
Trong căn nhà nhỏ của mình ở ấp Bình Phước (Bình Nhâm, Thuận An), soạn giả Nhị Kiều đã kể cho tôi nhiều kỷ niệm. Bà mở đầu câu chuyện: “Cuộc đời tôi chẳng khác nào một vở kịch”. Cuộc đời của bà từng có đau thương, tủi nhục, vinh quang… Âu đó cũng là triết lý sống, nguồn cảm hứng giúp bà xây dựng nên những tác phẩm mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Bà tên thật là Quản Thị Minh Nguyệt, quê ở làng An Thạnh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Vì được sinh ra trên mảnh đất có truyền thống yêu nước nên từ thời con gái bà đã tham gia vào Hội Phụ nữ Cứu quốc. Do có nhiều năm làm công tác tuyên truyền, giao liên mà bà thuộc nằm lòng từng nhánh sông, con rạch trong huyện. Chồng của bà là ông Huỳnh Ngọc Lộ, một anh lính vệ quốc đoàn nhanh nhẹn và mưu lược. Cũng chính vì cả hai vợ chồng hăng say hoạt động cách mạng mà ngôi nhà nhỏ của họ ở An Thạnh bị giặt đốt phá đến ba lần. Những lúc như vậy, cả hai vợ chồng phải sống nương tựa vào bà con lối xóm. Lúc bị giặc truy lùng ráo riết thì sống chui sống nhủi ngoài đồng. Có thể nói, thời gian hai vợ chồng sống bên nhau tuy không nhiều nhưng đầy tình nghĩa, keo sơn.
Năm 1954, ông Lộ lên đường tập kết ra Bắc, để lại cho bà hai người con. Bà cùng với bố mẹ ruột của mình cũng chuyển lên TP.HCM sinh sống. Sau đó không lâu bà thì nhận được hung tin ông Lộ hy sinh giữa đại ngàn Trường Sơn. Cũng chính từ đây, cuộc đời của bà bước sang trang mới. Những tháng ngày buồn bã giữa đất Sài Gòn bà thường tìm đến những rạp hát để giải khuây. Bà bảo rằng lúc đầu cũng chỉ hơi thích ca cổ, cải lương, nhưng xem miết đâm ra ghiền rồi đam mê luôn từ đó. Khoảng thời gian này bà đã gặp và quen với nghệ sĩ Tám Văn, một kép chính của đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga. Họ quen nhau không chỉ bởi tài sắc, mà có chung hoàn cảnh. Hai tâm hồn cô đơn đang cần một nguồn an ủi. Họ đến với nhau như một định mệnh, một số phận dành cho nhau. Trước khi về sống chung với bà, nghệ sĩ Tám Văn cũng đã từng có vợ con. Tám Văn là người Mỹ Tho, ông được sinh ra trong một gia đình giàu có. Vợ của ông là nghệ sĩ Bích Châu, người Hà Nội. Ông và bà Bích Châu quen biết nhau từ những ngày sống chung ở gánh hát Quảng Lạc, một gánh hát thường lưu diễn ở các tỉnh phía Bắc, Lào.
Bích Châu là người miền Bắc nên khi hát cho đoàn Quảng Lạc ở Hà Nội hay ở Lào cho đồng hương người miền Bắc xem thì bà thường được khán giả tán thưởng vì có chất giọng khá đặc biệt. Nhưng từ khi theo chồng chuyển vào Nam, cái chất giọng ấy đã không còn phù hợp nữa. Chính điều đó bà đã quyết định bỏ chồng con ra đi để tìm lại chính mình.
Nhưng cuộc đời thật trớ trêu. Những tháng cuối năm 1975, giữa lúc Nhị Kiều và Tám Văn đang sống hạnh phúc và đã có thêm hai người con thì ông Lộ xuất hiện. Kể đến đây, giọng của bà Kiều như nhỏ hẳn, nước mắt giàn giụa: “Ông ấy đến tìm tôi trên chiếc xe hơi đời mới, vẫn bộ trang phục đồ lính năm nào. Ông ấy không chết, tin đồn năm nào thật oái ăm. Tôi vẫn thương ông ấy nhất trên cõi đời này, nhưng tôi cũng không thể rời xa Tám Văn để về sống với ông ấy. Cũng chính vì thế mà ông ấy giận tôi, đến lúc chết cũng không cần báo với tôi một tiếng”.
Người viết nhiều tuồng nhất Việt Nam
Sau hơn 40 năm cầm bút, có thể nói cho đến lúc này bà là soạn giả viết nhiều tuồng nhất. Và cũng là soạn giả nữ đầu tiên của Việt Nam vào những năm 1950, vì trước đó soạn giả đều là nam giới. Bà không chỉ viết nhanh, viết khỏe mà còn phóng tác nhiều tiểu thuyết của những nhà văn nổi tiếng trong và ngoài nước thành tuồng cải lương. Không được đào tạo bài bản qua trường lớp, nhưng bà đã xây dựng thành công nhiều tác phẩm để đời như: Nắng sớm mưa chiều, Tấm lòng cửa biển, Đường về vạn kiếp, Khói sóng tiêu tương… Ngoài những tác phẩm mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, đề cao thân phận người phụ nữ Việt Nam, bà cũng có không ít tác phẩm lịch sử đậm nét. Cũng có những tác phẩm được xây dựng trên một câu chuyện có thực đầy nhẫn tâm, nhưng khi qua bàn tay nhào nặn của bà, nó đã trở nên đầy sức sống, mang tính nhân văn cao như tác phẩm Vụ án 40 năm.
Sở dĩ bà có một kiến thức rộng, một tâm hồn cởi mở để cống hiến cho nghệ thuật là ngay từ bé bà đã biết làm thơ, nói đối. Bà biết làm thơ từ năm 12 tuổi. Sau này, khi chị ruột của bà là Quản Thị Trúc Mai lấy chồng là chủ bút của tờ báo Tiếng Chuông thì hai chị em bà không ngừng làm thơ đăng báo, nên cái tên Nhị kiều cũng ra đời từ đó. Và mấy chục năm nay, bà vẫn luôn giữ một thói quen đọc sách hàng đêm, do đó bà có một kiến thức tổng hợp của nhiều tác giả. Trong căn nhà nhỏ của mình, tài sản quý giá nhất mà bà để lại cho con cháu không có gì ngoài sách. Có nhiều cuốn bà lưu giữ từ năm 17 tuổi đến giờ.
Tuy nhiên, để trở thành một soạn giả chuyên nghiệp, bà cũng đã vượt qua không ít chông gai, thử thách. Vì yêu nghệ sĩ Tám Văn mà bà từng bị bố mẹ ruột của mình từ mặt gần 4 năm trời. Trong những thập niên 50, nghệ sĩ sân khấu bị người đời gán cho là thành phần “xướng ca vô loại”, phải là những người quá đam mê nghệ thuật, bất chấp những đàm tếu trong thiên hạ thì mới có thể sống chết được với nghề. Nam nghệ sĩ phải phấn đấu không ngừng để xóa tan đi cái thành kiến xướng ca vô loại đó. Một cô gái con nhà lành như bà mà dám lao vào gánh hát cải lương, có chồng là kép hát và phải sống như những nghệ sĩ lang thang không nhà, thì phải là một người đảm lược, yêu nghệ thuật còn hơn yêu bản thân của mình. Để viết được những vở tuồng đầu tay, ban đầu bà cũng phải vắt óc mò mẫm từng từ, từng chữ. Cũng từng chịu nhục để được hợp soạn cùng những soạn giả danh tiếng thời ấy. Vậy mà chỉ chưa đầy ba năm sau, bà đã có thể đường hoàng có được cái tên soạn giả thật sự như bao nhiêu người soạn giả đang hành nghề và sống được với nghề. Từ một người vô danh, bà đã trở thành soạn giả số một của đoàn Thanh Minh Thanh Nga trong nhiều năm sau đó. Nói như bà: “Nếu như những soạn giả khác khi viết tuồng phải lên Đà Lạt, ra Vũng Tàu để an tịnh, thì Nhị Kiều dù có nấu cơm, ẵm con cũng viết tuồng như ai”.
QUANG TÁM - BBD
http://www.baobinhduong.org.vn/detail.aspx?Item=39553