Chân dung NS: NSND Bảy Nam: Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ...
92 tuổi, người nghệ sĩ một thời lừng lẫy ấy chỉ còn nhẹ tênh tựa một em bé. Suốt mấy tháng nay, bà trở bệnh nặng, nguy kịch nhất là vào cuối tháng 5 vừa qua. Nhưng may thay, một sức mạnh kỳ diệu đã giúp bà gượng dậy. Không có sự u sầu, không có lời than thở, chỉ có nụ cười đôn hậu quên cả thời gian. Nhưng đó cũng chỉ như ánh hồi quang của một ngọn đèn sắp cạn dầu bừng cháy lên lần cuối...
NSND Bảy Nam là cây đại thụ của cải lương cũng như kịch nói miền Nam còn sót lại, cùng với NSND Phùng Há - nay đã 94 tuổi. Hơn 70 năm đứng trên sân khấu, bà không chỉ là diễn viên mà còn là nhà quản lý, trưởng đoàn, tác giả kịch bản, đóng hàng chục phim truyện. Gần đây nhất, khán giả trẻ còn kịp xem bà diễn trong vở Lá sầu riêng và Bông hồng cài áo trước khi bị nhồi máu cơ tim, bác sĩ cấm lên sân khấu. Nhưng chỉ hai vở ấy thôi đã đủ chứng minh tài năng tuyệt vời, làm rúng động bao nhiêu trái tim khán giả. Một bà mẹ nghèo lập cập đi thăm con, bị "sui gia" nhà giàu đuổi xuống bếp, rồi lập cập ra về trong tiếng nấc thương con. Tấm áo dài sờn cũ, cái giỏ đệm nghèo nàn, cái nón lá rách, đôi chân yếu ớt già nua... Nước mắt người xem chảy ướt theo từng bước chân bà (Lá sầu riêng). Một bà mẹ khác phải vào nhà thương điên vì hai đứa con cùng chết trong một tai nạn giao thông (Bông hồng cài áo). Cơn điên hiền lành, xót xa, tinh tế qua từng nét diễn. Cơn điên ấy lại làm "tỉnh" những đứa con bất hiếu đang chối bỏ mẹ mình để chạy theo vinh hoa phú quý. Bà Bảy Nam diễn, nhưng bà đang sống rất thật, đến nỗi bà đã ngã quỵ trên sân khấu vì sức ép vào trái tim chân thành. Từ đó, nghệ sĩ Kim Cương không dám cho bà trở lại với ánh đèn màu, cương quyết "bắt" mẹ an dưỡng trong căn phòng nhỏ đầy tình thương của con cháu vây quanh...
Thế nhưng... Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ...
Những ngày nằm trên giường bệnh, bà vẫn đau đáu hướng về sân khấu. Như cái nghiệp, biết làm sao! Bà tỉnh táo đến lạ thường, không hề lú lẫn. Bà thều thào đọc lời thoại của các vở, rồi cười: "Kiếp sau có đầu thai lại, cũng xin làm nghệ sĩ!". Nghệ sĩ Kim Cương nhăn mặt chọc má: "Nghệ sĩ khổ muốn chết má ơi! Sao hổng xin làm nghề gì cho sung sướng?". "Đâu có, nghệ sĩ mới sướng chớ con. Nghề gì thì cũng chỉ làm hoài có một thứ, còn làm nghệ sĩ thì má được làm vua nè, rồi làm quan, làm nông dân, buôn bán... Đủ hết! Không có chán!".
Ngày thường, tính bà đã hiền lành, không bon chen, lúc bệnh lại càng dễ thương. Mấy hôm vô bệnh viện, phải thở oxy, bà tủm tỉm: "Chỉ cần một hơi không hít vô được là... rồi. Vậy mà sao người ta... dữ quá!". Bà ngẫm nghĩ về lẽ sống chết vô thường, nhìn ảnh Phật mà niệm, thanh thản chuẩn bị hành trang.
Những ngày nằm trên giường bệnh lại rất ấm áp với bà, vì mọi người đến thăm liên tục. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh Triết họp quốc hội ngoài Hà Nội, chỉ được nghỉ một ngày đã bay vô Sài Gòn và tranh thủ ghé thăm bà. Rồi các ông Trần Trọng Tân, Dương Đình Thảo, Lý Chánh Trung, bà Ngô Thị Huệ (vợ ông Nguyễn Văn Linh)... Bác sĩ Lương Phán và các bác sĩ của bệnh viện Nguyễn Trãi túc trực 24/24, thậm chí tự tay bác sĩ Phán đi mua thuốc và lau rửa cho bà chứ không để y tá làm. Hầu hết giới nghệ sĩ đều có mặt, như Viễn Châu, Lệ Thủy, Minh Vương... Dễ thương nhất là NSND Phùng Há, dám leo hết từng ấy bậc thang để thăm "bà bạn già" của mình. Nghệ sĩ Kim Cương xúc động: "Hai bà ngồi ôm nhau, ốm nhom như hai bộ xương. Tôi có chụp hình, nhưng không dám đưa cho ai xem. Nói thật, nghệ sĩ ngày xưa chỉ được coi là xướng ca vô loài, đem hết ruột gan cống hiến cho đời, khi già bệnh không ai quan tâm, sống vất vưởng, có khi chết bờ chết bụi. Còn bây giờ, Nhà nước lo lắng như thế, lại phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, vinh hạnh biết bao nhiêu. Món nợ này làm sao trả nổi!".
NSND Bảy Nam sinh năm 1913 tại Điều Hòa - Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang ngày nay). Hoạt động nghệ thuật của bà rất đa dạng:
- Quản lý: Năm 19 tuổi bắt đầu thành lập đoàn cải lương Nam Hưng, sau đó là các đoàn như Phước Cương, Tam Phụng, Nam Lân, Năm Phỉ - Kim Cương.
- Sáng tác: NSND Bảy Nam là tác giả của gần 20 vở cải lương: Nỗi đau lòng mẹ, Người đàn bà Việt Nam, Lê Lợi khởi nghĩa, Mặt trận Cầu Bông, Mắng Việt gian, Án mạng của tôi, Phấn hậu cung, Gươm vàng máu đỏ, Điều Tam Xuân phục hận, Tiêu Anh Phụng loạn trào...
- Diễn viên sân khấu cải lương: Các vai Đào Tam Xuân, Lý Nhu (vở Phụng Nghi Đình), Triệu Tử (Triệu Tử đoạt ấu chúa), Triệu Tuất (Dự Nhượng đả long bào, đóng với NS Ba Vân), Tiêu Anh Phụng (Tiêu Anh Phụng loạn trào), Ngọc Dung (Phấn hậu cung)...
- Diễn viên kịch nói: Vai người mẹ trong các vở Lá sầu riêng, Sắc hoa màu nhớ, Về nguồn, Người tình trễ xe, Nhân danh công lý, Bông hồng cài áo, Hồi sinh.
- Diễn viên điện ảnh: Tham gia các phim Mort en Fraude (đạo diễn Marcel Camus), Biển động, Hoa lục bình, Lá sầu riêng, Nước mắt học trò, Giông tố cuộc đời, Ngọn cỏ gió đùa, Đêm trắng, Con sói trở về, Bóng đêm cuộc tình...
Năm 1993, tác phẩm Trôi theo dòng đời của bà được Hội Nghệ sĩ sân khấu tặng Giải thưởng tác phẩm sân khấu, cùng năm này bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND. Năm 1997, bà được Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Bà qua đời lúc 12 giờ 55 ngày 18/8/2004 tại tư gia (số 9 đường Hoàng Diệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Linh cữu quàn tại tư gia. Lễ viếng bắt đầu từ ngày 19.8, lễ truy điệu bắt đầu lúc 7 giờ ngày 20/8, động quan lúc 8 giờ cùng ngày và an táng tại Nghĩa trang TP.HCM.
Q.T - Thanh Nien