Buổi trưa Sài-Gòn nắng đổ chang chang, phố phường yên ắng không một tiếng còi xe. Mọi người cần "đánh" một giấc nồng để lấy sức cho nửa ngày làm việc còn lại. Một bầy trẻ lên năm, lên bảy đi lang thang hết con phố này đến ngõ hẻm khác. Chiếc xe bán thuốc lá kiêm luôn "đại lý vé số" của bà Hòa "mặt rổ hoa mè" cũng được che chắn kỹ lưỡng để tránh cái nóng ban trưa. Ngó vào bên trong, bà đang thắp nhang và lâm râm khấn vái "ông Địa ơi, chiều nay cho con trúng số, con mua nải chuối về cúng ông". Thằng bé tròn trĩnh nhất trong đám con nít giả giọng "bắc kỳ" của bà và cất tiếng "không trúng thì ông không được ăn" .. "Tiên sư bố chúng mày", giọng của bà Hoà vang lên khô khan và một chiếc dép từ trong tấm bạt "bay" ra, hướng về mấy đứa trẻ trâu. Thiệt là hên, chúng đồng loạt reo lên "hụt" ! Một đứa khác vừa chạy, vừa quay đầu lại hát nghêu ngao chọc tức bà chủ "có cô gái Đồ Long lắc bầu cua, lắc một cái ra hai con gà mái". Đám trẻ "biến" thật nhanh trong ánh vàng hanh, lung linh rực rỡ.
Ngót hai mươi năm sau, bước chân của thằng bé nghịch ngợm năm xưa đã xa rời chốn cũ. Mỗi khi nhớ nhà, nhớ quê, nó thường tìm lại những kỷ niệm ngày thơ qua những trang sách, những cuốn băng nhạc. Dòng sông cũ vẫn đong đầy cảm xúc dạt dào, dù đã bao năm bãi bồi, bến lỡ. Nó mới biết được những câu hát vu vơ ngày đó được "chế" lời từ bài hát "Tiếng hát quê hương" của hai nhạc sĩ tiền bối Y Vân và Xuân Lôi. Nó mĩm cười thích thú với cái tinh nghịch trẻ thơ ngày nào và cũng bùi ngùi, rưng rưng khi thời gian đã quá xa. Ngoảnh về chốn cũ, bụi thời gian đã phủ lên đó một màu rêu xám lạnh.
Bài hát có lời ca đẹp với âm điệu thật nhẹ nhàng và rất dễ đi vào lòng người qua giọng hát của ca sĩ Thái Thanh. Mãi đến sau này, không thấy ca sĩ nào hát lại trên sân khấu hay thu thanh trong băng, đĩa nhạc ..
"Có cô gái miền quê hát bài ca
Giữa hoa lá xanh tươi bên làn gió
Thôn xóm nhà, khi nắng tà
Êm êm trong muôn câu hò
Có anh lính thường ngâm những bài thơ
Lúc qua núi cao hay bên đồng lúa
Non nước nhà, vui thái hòa
Vang vang lên muôn lời ca"
Báo chí thường ca tụng tiếng hát này "vượt thời gian và vượt cả không gian", nhưng trong đáy tim của nó, đó là tiếng lòng, là tiếng hát của quê hương. Ngày trước trên đài ti-vi số 9 ở Sài-Gòn có phát hình mỗi tuần một lần chương trình "Quê hương mến yêu" do thi sĩ Bàng Bá Lân thực hiện. Mở đầu chương trình bao giờ cũng chiếu một khúc phim ngắn, có dòng sông uốn khúc và cô lái đò trên một chiếc ghe mong manh, bé nhỏ. Nhạc nền (background) là ca khúc "Tình hoài hương" của nhạc sĩ Phạm Duy với tiếng hát Thái Thanh, tiếng hát trong veo và êm ả như một dòng suối, "quê hương tôi có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng ruộng vắn" ..
Tiếng hát đó tắt lịm sau ngày mất nước. Cuộc sống cơ cực khiến cho người ta chỉ còn nghĩ đến cái ăn, cái mặc để tồn tại qua ngày, đoạn tháng. Mười năm sau, khi đã được định cư trên vùng đất mới, tiếng hát đó lần nữa được cất lên và vang xa khắp bốn biển, năm châu, nơi có mặt những người Việt-Nam xa xứ, tị nạn.
Mùa thu năm 1992, tôi may mắn có dịp gặp và được nghe lại tiếng hát giờ đây đã thật sự "vượt thời gian và vượt cả không gian". Trong chuyến lưu diễn Tây Âu, cô đã ghé qua Tây Đức và góp mặt trong vài xuất hát hiếm hoi. Đêm đó, cô đã hát lại rất nhiều những ca khúc đã trình bày trước năm 1975, những nhạc phẩm đã đưa tên tuổi mình lên đài danh vọng như "Nghìn trùng xa cách", "Tình hoài hương", "Ngày xưa Hoàng Thị", "Thuở ban đầu" .. Đến giờ giải lao, dù bị khán giả vây kín, cô vẫn vui nở nụ cười thật tươi và ân cần ký tên trên mỗi bìa nhạc cũng như gói ghém những câu nói thật dễ mến, thật gần gũi. Trong mắt cô, tôi đọc được biết bao niềm cảm xúc và cái hạnh phúc mênh mông không thể mua được bởi bạc tiền. Tôi có yêu cầu cô hát lại bài "Quán bên đường" do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ những dòng thơ của thi sĩ Trang Thế Hy. Trong phần sau của chương trình, cô đã chìu ý và hát lại nhạc phẩm này.
Đêm đó còn có sự góp mặt của rất nhiều giọng hát hữu danh khác nữa, nhưng nổi bật nhất, được xuất hiện trên sân khấu nhiều nhất, được hát nhiều nhất và được tán thưởng nhiều nhất vẫn là tiếng hát Thái Thanh với những bản tình ca một thuở.
Những năm sau này, vì lý do sức khỏe, tuổi cao và bệnh tật, cô đã giã từ ánh đèn sân khấu và để lại thật nhiều tiếc nuối trong lòng người mộ điệu. Sanh lão bệnh tử, luật trời hay định mệnh đã dành sẵn cho mỗi con người, khó ai trong đời này có thể thoát được. "Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi" .. Cô đã thanh thản ra đi nhưng những bản tình ca mãi còn đây, tiếng hát đó vẫn còn vương vấn trong tâm trí hay trong góc khuất trái tim của người yêu nhạc, yêu tiếng hát Thái Thanh và giữ gìn như một kỷ niệm. Âm thầm tiễn đưa cô, tiếng hát huyền thoại, tiếng hát của quê hương.
19.03.2020
Vân Tâm