WESTMINSTER, California (NV) – Sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương, dù không đột ngột nhưng cũng để lại bao nhiêu thương tiếc trong lòng những ai từng hát nhạc Lam Phương hoặc nghe nhạc Lam Phương ở khắp nơi trên thế giới.
Nhạc sĩ Lam Phương. (Hình: Triết Trần)
Theo nhận xét của nhạc sĩ lão thành Tuấn Khanh, dòng nhạc của nhạc sĩ Lam Phương lan tỏa sâu rộng vào đại chúng vì đây chính là những sáng tác dành cho đại chúng. Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói: “Người nghe nhạc Lam Phương đông gấp bốn, gấp năm lần người nghe nhạc của tôi. Tuy nhiên, Lam Phương là người rất dễ thương và biết trên, biết dưới. Ông chưa bao giờ để sự nổi tiếng làm thay đổi con người của mình.”
“Cốt cách của một nghệ sĩ: Đẹp trai và đàn giỏi”
Ông Tuấn Khanh cho biết khi ông vừa vào Nam năm 1955 thì Lam Phương đã nổi tiếng với nhạc phẩm “Tình Anh Lính Chiến” rồi. “Lam Phương cũng là nhạc sĩ đầu tiên dám tự in nhạc phẩm của mình rồi bán thẳng cho người mua chứ không thông qua các nhà in. Nhờ vậy mà số tiền bán nhạc lên tới trên 200,000 đồng hoặc hơn nữa,” ông nói.
“Nếu để nhà sách bán thì mình chỉ được chừng 3,000 đồng là cao,” ông so sánh. “Sau đó, các nhạc sĩ khác mới bắt đầu bắt chước làm theo.”
Nhạc sĩ Từ Công Phụng cho biết sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương làm cho ông “buồn buồn như thế nào ấy.”
Ông cũng nói rằng những sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương vô cùng phong phú và đa dạng. “Thật khó mà nói Lam Phương sáng tác theo thể loại nào,” ông Từ Công Phụng nói.
Tuy nhiên, với Từ Công Phụng, những nhạc phẩm nổi bật của Lam Phương là “Kiếp Nghèo” và ngay từ hồi còn là sinh viên thì ông đã rất có ấn tượng với nhạc phẩm “Duyên Kiếp.” Như muốn chính tai mình nghe lại, ông cất giọng hát câu đầu: “Em ơi nếu mộng không thành thì sao/ Non cao đất rộng biết đâu mà tìm…”
Nhạc sĩ Lam Phương thời trai trẻ. (Hình: Tài liệu gia đình)
Hình ảnh mà Lam Phương lưu lại trong trí nhớ Từ Công Phụng thật đúng với cốt cách của một nghệ sĩ. “Hồi ấy, Lam Phương rất đẹp trai và chơi đàn (guitar) rất giỏi,” ông kể.
Có thể nói ca sĩ trẻ tuổi nhất ca nhạc Lam Phương là Thanh Tuyền khi mới 10 tuổi.
Trước cái chết của Lam Phương, danh ca Thanh Tuyền nói: “Tôi đã chuẩn bị cho sự ra đi này cả 10 năm nay. Nghe tin ông ra đi, tôi không khóc được mà chợt thấy một nỗi buồn rất sâu lắng trong tim. Nỗi buồn này thật khó tả. Khi nghe tin nghệ sĩ Chí Tài chết đột ngột, tôi khóc được, nhưng nghe tin ông Lam Phương qua đời, nỗi buồn trong tôi nó khác hẳn.”
Câu ca Lam Phương là bạn đồng hành của nhiều ca sĩ
Sự nghiệp của Thanh Tuyền gắn liền với dòng nhạc Lam Phương khi bà mới 10 tuổi. Bà kể: “Năm đó là 1959, tôi dự thi giải ‘Thần Đồng Đà Lạt’ với bài ‘Nắng Đẹp Miền Nam’ của nhạc sĩ Lam Phương và đoạt giải nhất.”
Danh ca Thanh Tuyền. (Hình: Facebook Thanh Tuyền)
Vì thế, Thanh Tuyền sẽ không bao giờ quên được câu ca: “Đây trời bao la ánh nắng mai hé đầu ghềnh lan dần tới đồng xanh/ Ta cùng chen vai đem tay góp sức tăng gia cho người người vui hòa/ Đường cày hôm nay lên tràn bông lúa mới ôi duyên dáng đồng ơi…” của Lam Phương đã đưa bà vào làng âm nhạc Việt Nam.
Nhưng Thanh Tuyền vẫn nhớ một câu khác của nhạc sĩ Lam Phương trong bài “Xin Thời Gian Qua Mau” là “Ngày về ôi xa quá/ Cánh nhạn còn miệt mài/ Trong nắng hồng mê say/ Lạc bầy chim chíu chít/ Hai phương trời cách biệt/ Đêm chờ và đêm mong…”
Theo Thanh Tuyền, nhạc Lam Phương được nhiều người ưa thích vì ông thể hiện tâm tư của họ.
Thanh Tuyền cho biết nỗi ân hận nhất trong lòng bà là chưa thực hiện lời hứa với vị nhạc sĩ là sẽ thu âm bài “Tình Đầu Muôn Thuở” do ông sáng tác năm 1966. “Cách nay không lâu, tôi gọi điện thoại thăm ông và nhắc lại chuyện này. Ông không nói được nhưng nghe rất rõ và theo lời em gái ông là cô Bảy đang ở bên ông, ông cười rất vui khi biết tôi còn nhớ lời hứa,” bà kể.
Thanh Tuyền nể phục sự lạc quan của ông Lam Phương dù bị trọng bệnh cả 10 năm rồi. Và dù đã có 10 năm chuẩn bị nhưng Thanh Tuyền vẫn chưa chịu chấp nhận là ông đã thực sự ra đi. Bà nói: “Không. Tôi vẫn có cảm giác là nhạc sĩ Lam Phương vẫn còn quanh quẩn đâu đây thôi chứ không đi đâu hết.”
Bà thêm: “Dòng nhạc Lam Phương không bao giờ mất đi trong tư tưởng người Việt.”
Danh ca Hoàng Oanh. (Hình: Nguyễn Lập Hậu)
Danh ca Hoàng Oanh, một người đã đi vào lòng khán giả trong và ngoài nước qua nhạc phẩm “Chiều Tây Đô” của Lam Phương, vẫn còn rất xúc động trước tin nhạc sĩ Lam Phương từ trần.
“Từ khi hay tin nhạc sĩ Lam Phương qua đời tới giờ, tôi vẫn chưa đủ bình tĩnh để nhớ lại mọi chuyện theo thứ tự lớp lang, Tôi chỉ nhớ cách nay khoảng 20 năm, tôi hát bài ‘Chiều Tây Đô’ của ông cho trung tâm Asia lúc đó thu hình ở Montreal, Canada,” bà nói.
Bà hồi tưởng: “‘Chiều Tây Đô’ do Asia chọn cho tôi nhưng khi đọc kỹ lại từng lời thì thấy đó chính là tâm trạng của những người vượt biên nên ‘cảm’ được liền. ‘Ghé hỏi cỏ cây, cỏ cây khóc, gió than van/ Kể từ khi mất quê hương gió ra khơi đưa người vượt biển/ Mẹ chờ thư về ngồi thèm thuồng miếng trầu cay/ Trẻ thơ lang thang vì cơn đói suốt bao ngày…”
Ca sĩ Tuấn Vũ, người nổi tiếng với nhạc phẩm “Thành Phố Buồn” của Lam Phương. (Hình: Facebook Chanh D. Nguyen – Tuấn Vũ)
Ca sĩ Tuấn Vũ, ca sĩ của “Thành Phố Buồn” trả lời vội vã trong lúc chờ lên máy bay đi Chicago từ phi trường John Wayne, Santa Ana: “Dĩ nhiên tôi rất buồn vì nhạc sĩ Lam Phương không còn với chúng ta nữa. Trong đời ca hát, tôi đã hát rất nhiều nhạc phẩm của ông, đặc biệt là ‘Thành Phố Buồn.’ Trước 1975 ca sĩ Chế Linh đã rất thành công với nhạc phẩm này và ra hải ngoại, tôi cũng đã rất thành công với ‘Thành Phố Buồn.’”
Tuấn Vũ chọn hát nhạc Lam Phương vì nhạc dễ nghe và gói ghém nhiều tình cảm.
Sẵn sàng giúp người khác, nhất là ca sĩ chưa nổi tiếng
Ca sĩ Đặng Thái Luân, một ca sĩ thể hiện nhạc Lam Phương cũng rất chuẩn mực. “Em vừa đưa bài ‘Khóc Thầm’ của chú Lam Phương lên ‘channel’ trên YouTube của em là ‘Đặng Thế Luân Official’ hôm qua để tưởng nhớ chú. Đây là một ca khúc nói về nỗi xót xa của một sự chia ly.”
Anh nói: “Em rất ‘thích’ nhạc của chú Lam Phương qua câu ‘Cuộc đời là hư vô/ Bôn ba chi xứ người/ Khi mình còn đôi tay…’ Nói chung thì bản nhạc nào của chú cũng dễ đi vào lòng người nghe.”
Ca sĩ Đặng Thế Luân: “Chú rất dễ thương, lúc nào cũng cười.” (Hình: Facebook Chanh D. Nguyen – Đặng Thế Luân)
Như bao nhiêu người đã tiếp xúc với nhạc sĩ Lam Phương, Đặng Thế Luân nhận thấy ông là người dễ thương và hiền lành. “Chú rất dễ thương, lúc nào cũng cười,” Đặng Thế Luân nói. “Và chú luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, nhất là ca sĩ trẻ, chưa nổi tiếng.”
Đặng Thế Luân tin rằng anh có duyên với nhạc sĩ Lam Phương. “Sau khi em đoạt giải nhất trong cuộc thi tuyển lựa tài năng mới của trung tâm Asia hồi 2004, trung tâm Bích Thu Vân tổ chức một chương trình có mấy ngàn khán giả và mời em. Em run lắm vì đó là lần đầu tiên em xuất hiện trước đông người như vậy. Không ngờ chương trình đó có chủ đề là nhạc Lam Phương và chú rất thân thiện, cứ ân cần động viên, khuyến khích em phải bình tĩnh,” anh nói. “Em có cảm tình với chú kể từ đó.”
Nhạc sĩ Lam Phương ra đi ở tuổi 83 lúc 6 giờ chiều Thứ Ba, 22 Tháng Mười Hai, 2020.
Ông tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 Tháng Ba, 1937, tại làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).
Bút danh Lam Phương do ông lấy từ hai chữ trong tên thật là Lâm và Phùng với ý nghĩa “hướng về phương trời màu xanh hy vọng.”
Ngoài những nhạc phẩm in sâu vào lòng người nghe trong suốt hơn nửa thế kỷ, nhạc sĩ Lam Phương còn để lại cho đời nhiều ký ức về lòng tử tế và sự nhân hậu. (Đằng-Giao) [qd]
—–
Liên lạc tác giả:
ngo.giao@nguoi-viet.comFacebookTwitterEmailPrint