gửi bởi tancogiaoduyen » Thứ 3 Tháng 1 11, 2005 2:08 pm
Người làm hậu đài: Những mảnh đời khốn khó...
“Nhiều khi đau yếu nằm một chỗ, không ai chăm sóc, tôi mới thấy cuộc đời này bạc bẽo”. Giọt nước mắt bà lăn dài. Tôi biết bà không còn biểu diễn dù bà là một nghệ sĩ. 67 tuổi, 54 năm đi theo sân khấu và có lẽ bà sẽ còn đeo đuổi đến cuối đời. Bà không có nhà, chỗ ngủ chỉ là một chiếc chõng tre trong trụ sở đoàn cải lương Sài Gòn 1 giữa ngổn ngang đạo cụ gươm giáo…
Bà là nghệ sĩ Hồng Sáp. Bây giờ bà vẫn theo đoàn giữ đồ hội để lãnh 30.000 đồng một suất diễn. Phải chi đêm nào đoàn cũng kéo màn thì đâu có đến nỗi. Đằng này, tuần có, tuần không, có khi vài chục ngàn phải sống trọn tuần hoặc nửa tháng.
Nghệ sĩ Hồng Sáp và hậu đài Chương
ở hậu cứ của đoàn cải lương Sài Gòn 1
Người trong nghề, nhất là cải lương tuồng cổ, vẫn thường hay nhắc đến vai diễn nổi tiếng của bà – mụ dì ghẻ độc ác – trong vở “Tấm Cám” dựng trên sân khấu đoàn Huỳnh Long. Bà cũng có con, những 4 đứa. Nhiều năm lênh đênh theo đoàn hát, con cái cũng lớn lên bên cánh gà, ngủ vùi trong phông màn, riết rồi cũng “quen hơi” sân khấu. Người đi đánh trống, người làm hậu đài, người làm tì nữ… Làm diễn viên còn chưa hẳn nuôi sống được mình, huống chi đồng lương hậu đài làm sao lo được cho cha mẹ. Cho nên mạnh đứa nào đứa đó sống – đứa thì ở nhờ nhà vợ, đứa thì ở nhà chồng, người con trai tên Dĩ An đánh trống cho đoàn cải lương Sài Gòn 1 thì hiện đang tá túc ở nhà mẹ của nghệ sĩ Khánh Tuấn. Bà lại khóc: “Tôi sanh con ra mà không lo nổi cho chúng một cái gì hết. Đó là nỗi khổ tâm lớn nhất của tôi”. Có lúc người này, người khác nhờ bà lo phục trang quay video, họ bồi dưỡng cho vài chục ngàn đồng, bà lại dành dụm đem về cho con, cho cháu.
Trong đoàn cải lương Sài Gòn 1 không thiếu những mảnh đời cơ cực. Tôi gặp anh Chương – nhân viên hậu đài, hiện anh cũng đang ở tại trụ sở đoàn. “Nơi anh ngủ ở đâu?”, tôi hỏi. Anh chỉ tay xuống sàn nhà: “Chỉ có buổi tối mới có thể trải chiếu ngả lưng ngay tại chỗ này”. Năm 16 tuổi, anh theo phụ chạy cảnh ở đoàn cải lương Huỳnh Long (nơi mẹ anh lãnh công việc nấu cơm hội), cho tới bây giờ theo đoàn Sài Gòn 1, một kỳ lương anh lãnh 70 ngàn đồng cho công việc hậu đài và đạo cụ. Nhưng thời buổi cải lương đang khốn khó như hiện nay, lãnh “lương đờ - mi”, “lương cà phê” cũng là mừng lắm rồi. Nhờ anh em trong đoàn đùm bọc, nếu không thì bữa đói bữa no là điều thường nhật. “Vậy mà, nhiều người còn khổ hơn tôi nữa”, anh Chương nói.
Trước cửa rạp hát Hưng Đạo, có một anh xích lô da đen nhẻm, người hơi đô con, đang nằm gác chân đợi khách. Đó là nhân viên hậu đài của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Tôi cũng đã quen biết anh trong nhiều dịp theo đoàn đi lưu diễn. Bất ngờ gặp lại, tôi hỏi thăm và tỏ ý muốn vô thăm nhà, anh thẳng thừng từ chối.
Anh em nhân viên hậu đài
đang dọn đạo cụ đến bến diễn mới
Gặng hỏi, anh cho biết nhà thuê chật chội, không thể ngồi, cũng không thể đứng vì trần nhà quá thấp. Tôi không thể hình dung được đó có thể là một căn phòng. “Vậy mà cũng mất hai trăm ngàn tiền thuê phòng đấy”, anh thổ lộ. “Lương tôi lãnh được gần hai trăm ngàn một tháng như muối bỏ bể, nhờ chạy xích lô nên cũng đắp đổi qua ngày, nuôi nổi một vợ và hai cái tàu há mồm ở nhà".
Dẫu sao, anh cũng còn “khá” với cái nghề… đạp xích lô. Nhiều người khác còn không có chiếc xe đạp mà đi. Điển hình như anh Hoàng Phi – nhân viên ánh sáng Đoàn 2 nhà hát cải lương Trần Hữu Trang – là một trường hợp khá đặc biệt. Tôi thường theo dõi đội bóng nhà hát Trần Hữu Trang nên biết anh là một tiền vệ trụ vững chắc. Bề ngoài trông anh nhanh nhẹn và hoạt bát, lại là một đội trưởng uy tín và đúng giờ giấc, nhưng tôi không ngờ anh lại có những nỗi khổ tâm lớn. Quê ở Bến Tre, anh không mê cải lương, cũng không có người thân nào theo đoàn hát. Chính bóng đá là chiếc cầu nối để anh có duyên nợ với cái “nghề”… chuyên viên ánh sáng, ăn cơm Tổ nghiệp. Những năm cải lương còn hưng thịnh, đoàn kéo màn đều đặn, anh còn đảm trách được phần kinh tế cho gia đình.
Cũng ở đoàn 2, có vợ chồng anh Hoàng Lương và chị Hồng. Anh đã nghỉ hưu, chị vẫn theo đoàn làm đồ hội. Mỗi kỳ lương chị lãnh 25.000 đồng nhưng phải tốn hết 15 ngàn đi – về bằng xe ôm từ nhà đến nhà hát. Căn phòng chị thuê 350 ngàn đồng một tháng ngổn ngang những phục trang, đạo cụ, và trong căn phòng rộng 9 mét vuông ấy chen chúc năm người - vợ chồng chị, vợ chồng đứa con gái lớn và mẹ chị (đứa con gái nhỏ là diễn viên Hoa Xinh ở đoàn cải lương Văn Công thì phải tá túc nhờ người thân từ ngày còn nhỏ xíu). Nhưng vấn đề của “đại gia đình” ấy nằm ở chỗ khác. Bao năm trôi nổi theo các đoàn hát, đến ngày trở về thành phố, chị không được thừa nhận là công dân của thành phố. Không có hộ khẩu đã đành, gia đình anh chị cũng không có luôn nơi xác nhận tạm vắng. Không được chấp nhận cả tạm trú cho đến khi anh chị xin được tấm giấy xác nhận mình là người của nhà hát Trần Hữu Trang. Không có hộ khẩu, anh chị không được hưởng lương, không được hưởng chế độ biên chế. Kiếp nhà thuê cứ đeo đuổi chưa biết đến bao giờ.
Một số trưởng đoàn cho tôi biết, tập thể anh em không hề phàn nàn gì về những người làm công tác hậu đài. Thu nhập thấp, nhưng họ vẫn bám trụ lâu dài, kêu làm là có mặt, không hề trễ nãi công việc. Thậm chí mỗi lần đi diễn là mỗi lần mượn nợ (giống như trường hợp của một nhạc công ghita cổ) để dằn túi khi đi lưu diễn xa. Anh nhạc công này phải bấm bụng mượn tiền góp, chuyến nào lãnh đủ lương cử thì trả được nợ, bằng không kể như lãi mẹ chất chồng lãi con.
Bữa cơm hội trên đường lưu
diễn của các nhân viên hậu đài
Điều gì đã giúp họ bám trụ “kiên cường” với sân khấu và với đoàn hát, mặc dù hầu như không ai có thể sống nổi với đồng lương của đoàn hát? Có người nhờ vợ, nhờ gia đình, có người làm thêm nghề tay trái như chạy xe ôm, phụ hồ, bán kẹp, hoặc nương tựa vào anh em mới có thể ổn định phần nào cuộc sống. Nhưng đâu phải… muốn làm là có thể làm được.
Nhiều người đã tâm sự với tôi rằng “quen sống theo đoàn rồi, buông ra không biết làm gì khác. Không có một đồng vốn lận lưng thì làm sao xoay sở”. Hay như anh Hoàng Lương nói rất chân thành: “Bạn bè cùng trang lứa với tôi cũng theo nghề hát nhưng cuộc sống cũng không đến nỗi vì họ có trình độ văn hóa, không làm cái này thì cũng còn có cái khác để giật gấu vá vai, nay lên được ông này ông khác…”.
Yêu nghề đã đành, nhưng vì cuộc sống có thể chuyển nghề lắm chứ? Tôi đem thắc mắc này hỏi một số anh em hậu đài, nhưng ít ai chịu nói… Đến khi biết được hầu hết các anh chị có gia đình đều thuê các căn hộ chung cư của nhà hát, hay là ở tại các khu nhà tập thể đoàn, thì tôi mới hiểu. Dù lãnh đồng lương chỉ đủ tiền thuê nhà và cầm cự dăm ba bữa nhưng không thể rời đoàn hát được. Vì, khi rời đoàn, cả gia đình sẽ lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, trong tay lại không nghề nghiệp, con cái sẽ ra sao? Đã có một đoàn cải lương của TPHCM nhưng ít khi nào xuất hiện hoặc “nằm” lâu ở thành phố. Lý do là phải đi hát bến này bến khác thì nhân viên của đoàn như hậu đài, âm thanh, ánh sáng, nhắc tuồng, phục trang mới có chỗ để mà… ngủ, về thành phố là bơ vơ, dù đi hát có khi từ trên xuống dưới chỉ lãnh năm mười ngàn đồng, nhưng cũng vẫn phải đi… Rồi một cái vòng lẩn quẩn lại cứ tồn tại, cha mẹ theo nghề hát rày đây mai đó, con cái ngủ đình ngủ chợ, lớn lên lại theo nghề hát, lại tiếp tục rày đây mai đó…
Biết bao nhiêu cảnh đời chật vật đáng thương, nhưng tôi vẫn có cảm giác họ đã quá an phận với kiếp sống chạy gạo từng bữa. Tâm lý chán nản vì cuộc sống khó khăn khiến cho họ không còn muốn vẫy vùng tìm cách vươn lên, mà cứ thả trôi mọi chuyện cho cuộc đời cũng nổi trôi vô định… Có cách nào khắc phục được không? Người ta có thể đưa tay giúp đỡ nhưng đâu thể giúp cả đời? Mà trước tiên bản thân mỗi người phải chiến thắng được chính mình, cố gắng vươn lên trong cuộc sống… Trong thâm tâm, tôi không hề có ý... thậm chí còn khâm phục sự chịu đựng dai dẳng từ ngày này qua ngày khác trước cảnh đời cơ cực ấy.
Thật sự, liệu sân khấu có thể không có những chuyên viên âm thanh, ánh sáng và phục trang được không?
(Trúc Lâm - Vietnamnet)