gửi bởi tancogiaoduyen » Chủ nhật Tháng 1 19, 2014 12:03 am
Nữ nghệ sĩ Tú Trinh ở Việt Nam vừa e mail cho tôi, báo tin:
Nghệ sĩ Đức Minh từ trần vào lúc 2 giờ ( giờ địa phương) ngày 14 tháng 1 năm 2014, tại nhà riêng ở Atlanta, tiểu bang Georgia - Hoa Kỳ.
Nghệ sĩ Đức Minh tên thật là Lê Văn Nhuận, sanh năm 1952 tại Châu Thành tỉnh Bến Tre, chồng của nữ nghệ sĩ danh ca Mỹ Châu. Nghệ sĩ Đức Minh mất vì bịnh ung thư, hưởng thọ 62 tuổi ( 1952 - 2014 ) .
Năm 1975, nghệ sĩ Đức Minh gia nhập đoàn cải lương tập thể Saigon 3, anh hát vai kép nhì, cùng với các nghệ sĩ Minh Tâm, Tài Lương, Thanh Kim Huệ, Thanh Điền, Thúy Lan, hề An Danh... anh có hát những vở tuồng của tôi: ( soạn giả Nguyễn Phương ) tuồng Một Cuộc Giải Phẩu, Quán Hương Tràm, Hạnh Phúc Trong Tầm Tay và của soạn giả khác: tuồng Mái Tóc Người vợ Trẻ, Nàng Sa Rết, Tình Ca Biên Giới...
Ở đoàn cải lương Saigon 3, tôi là soạn giả phụ trách kỷ thuật sân khấu nên thường làm việc với Đức Minh và các nghệ sĩ trong đoàn. Đức Minh hiền lành, thiệt thà, vui tánh, lúc nào cũng có một nụ cười tươi tắn trên môi. Anh không giành vai tuồng, không nề hà khi phải thế vai cho nghệ sĩ khác khi đoàn yêu cầu. Những khi không có vai hát, thường đêm anh vẫn ở bên cánh gà hoặc ở hậu trường, xem các bạn diễn để học hỏi những nét ca diễn hay của các bạn. Vì thường xem các bạn diễn nên thuộc lòng khá nhiều vai tuồng, các vai chánh và những vai phụ, mỗi khi có bạn nào bịnh bất ngờ, không hát được thì Đức Minh tình nguyện hát thế vai để bảo đảm cho các đêm diễn thành công, bảo đảm doanh thu cho đoàn hát.
Từ ông trưởng đoàn đến các soạn giả, nghệ sĩ và công nhân sân khấu, mọi người đều yêu mến Đức Minh. Khi nghệ sĩ Minh Tâm đi định cư tại Pháp năm 1979, nghệ sĩ Đức Minh trở thành kép chánh, hát cặp với cô đào danh ca Thanh Kim Huệ,
Đức Minh tâm sự với tôi: Cháu được tiến bộ nhanh trong lãnh vực ca diễn là vì cháu tha thiết học nghề. Học với thầy, học với bạn, học ngay trong đoàn hát hằng đêm khi đoàn diễn.
Đức Minh cho biết: lúc còn học đệ nhị cấp, mỗi chiều khi đi học về, cháu giúp Ba Má cháu chèo đò đưa khách sang sông. Nhiều đêm trăng sáng, cháu vừa chèo đò vừa ngêu ngao hát những bài vọng cổ mà cháu học được qua diã hát. Giọng ca của cháu cao vút, trong và rất mùi, thu hút khách đi đò. Trong số đó có một ông sư đang tu ở Cồn Phụng, ông này trước đây là nhạc sĩ cổ nhạc của đoàn hát cải lương Bến Tre. Ông thấy cháu có giọng ca tốt nhưng chưa ca đúng bài bản, chưa đúng nhịp nên ông kêu cháu đến chổ ông ở, ông dạy cho cháu ca đủ ba Nam, sáu Bắc, vọng cổ và những bài cổ nhạc dùng trên sân khấu cải lương.
Năm 1968, sau Tết Mậu Thân, tình hình chiến tranh sôi động, việc làm ăn của Ba Má cháu gặp khó khăn, cháu xin Ba Má cho cháu đi theo gánh hát. Cháu hy vọng có thể kiếm sống được, nhẹ gánh nặng cho gia đình và hy vọng có tiền dư để giúp cho Ba Má cháu. Cháu theo một gánh hát nhỏ ở tỉnh, lên Saigòn hát ở rạp Đại Đồng quận 3. Cháu được các bạn dẫn đến nhà nhạc sĩ Văn Vỹ ở đường Phan Thanh Giản gần rạp Đại Đồng. Nghe nhạc sĩ Văn Vỹ đờn, cháu mê quá nên xin theo làm đệ tử của ổng, đổi lại cháu vừa học ca vừa giúp việc quét dọn lớp học, nấu cơm và những việc lặt vặt mà thầy Văn Vỹ và cô Ngọc Thạch cần.
Sau vài tháng học ca, thấy Văn Vỹ giới thiệu cháu với ông bầu Năm Sơn gánh hát Trúc Giang, được ông bầu đặt cho nghệ danh là Đức Minh và cho đóng vai kép nhì. Ở đoàn Trúc Giang, chỉ vài tháng sau Đức Minh được nâng lên đóng vai kép chánh. Chỉ trong vòng một năm, nghệ sĩ danh ca Đức Minh được báo chí kịch trường nhiệt liệt ngợi khen khiến cho ông bầu gánh hát Trường Sơn ở miền Trung bay về Saigon, ký contrat với một số tiền lớn, bắt kép Đức Minh về hát cho đoàn Trường Sơn thay cho kép chánh Nhật Quỳnh.
Năm 1973, nghệ sĩ Đức Minh về Saigon gia nhập đoàn hát Thanh Hải - Văn Hường làm kép ba để học nghề vì lúc đó các diễn viên hàng đầu của đoàn hát Thanh Hải - Văn Hường gồm toàn là những đoào kép thượng thặng như vua vọng cổ Út Trà Ôn, vua vọng cổ hài Văn Hường, vua Tao Đàn Thanh Hải, kép Hồ Quảng tài danh Đức Lợi, nữ danh ca Ngọc Bích, người đẹp Tô Kim Hồng... Đức Minh tự xét lại thấy việc về cộng tác với đoàn Thanh Hải - Văn Hường anh bị thiệt hại nhiều hơn là có lợi vì anh không thể nào có một vai tuồng quan trọng để hát khi mà trong đoàn có những nghệ sĩ giỏi hơn anh gấp bội như Út Trà Ôn, Thanh Hải và Đức Lợi.
Năm 1974, đoàn hát Việt Nam của bà Bầu Thu mời, Đúc Minh liền ký contrat về làm kép nhì hát chung với kép chánh Minh Vương, nữ nghệ sĩ Thanh Nga, nghệ sĩ Hà Bữu Tân, nữ nghệ sĩ Kim Lệ Thủy, kép độc Văn Ngà.
Nghệ sĩ Đức Minh chưa tạo được một thế vững chắc trong hàng ngũ những kép danh ca vọng cổ thì ngày 30 tháng 4 năm 1975 ập đến, các đoàn hải cải lương của các ông bầu tư nhân bị giải tán, các nghệ sĩ phải đăng ký tại Ty Thông Tin Văn Hóa để chờ nhà nước ( chánh quyền CS) bố trí, diễn viên nào phải hát ở đoàn hát tập thể nào. Đức Minh được bố trí về đoàn cải lương tập thể Saigon 3.
Năm 1980, Đức Minh được bà bầu Tư Yến, đoàn hát tư nhân ở Vũng Tàu mời ký hợp đồng, Đức Minh được hưởng 5 lượng vàng tiền contrat và lương 70 đồng một suất hát trong khi ở Saigòn chánh quyền mới chỉ phát 10 đồng lương một suất hát cho các nghệ sĩ được xếp hạng A như Thanh Nga, Thành Được, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Ba Vân, Hoàng Giang...
Năm 1984, nghệ sĩ Đức Minh rời đoàn hát Trùng Dương trở về Saigon gia nhập đoàn hát Văn Công, hát chung với các nghệ sĩ Minh Phụng, nữ nghệ sĩ Mỹ Châu, Thoại Miêu, Thanh Hồng, Tô Kiều Lan, nam nghệ sĩ Hoàng Giang, Hùng Minh, Khả Năng, Phi Thoàn...
Từ năm 1984 đến năm 1990, nghệ sĩ Đức Minh và nữ nghệ sĩ Mỹ Châu là đôi diễn viên chánh được khán giả yêu chuộng nhất của đoàn hát Văn Công. Năm 1989, Đức Minh và Mỹ Châu chánh thức thành hôn.
Năm 2001, nghệ sĩ Đức Minh được con trai của anh bảo lãnh sang định cư tại Hoa Kỳ, tiểu bang Georgia. Năm 2003, nghệ sĩ Đức Minh bảo lãnh cho vợ là nữ nghệ sĩ Mỹ Châu sang Mỹ đoàn tụ gia đình.
Từ khi định cư tại Hoa Kỳ, hai nghệ sĩ tài danh Đức Minh và Mỹ Châu không có tham gia biểu diễn cải lương với các bạn nghệ sĩ ở hải ngoại. Hai anh chị về thăm quê hương Việt Nam hàng năm, vào dịp Tết. Năm 2014 này, vì Đức Minh bị bịnh ung thư gan, vào điều trị trong bệnh viện và mất vào ngày 14 tháng 1 năm 2014, Mỹ Châu bận chăm sóc cho chồng và sau đó lo tang lễ nên Mỹ Châu không có về VN như những năm trước.
Khi sanh tiền, Đức Minh là một nghệ sĩ tài danh, sống khiêm nhượng, hiền lành và hay giúp các bạn nghệ sĩ và công nhân sân khấu. Tôi quen biết Đức Minh khi Đức Minh hát cho đoàn Trúc Giang, tôi thường liên lạc, tới lui với nghệ sĩ Năm Sơn, Việt Thường , Phi Hùng ở đoàn Trúc Giang vì vợ chồng ông bầu Năm Sơn là bạn của vợ chồng tôi khi cùng làm việc cho đoàn Việt Kịch Năm Châu và Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu. Nghệ sĩ Đức Minh cũng có hát tuồng của tôi ở đoàn cải lương Saigon 3. Đức Minh là người luôn luôn cầu tiến, ham học hỏi và được lòng của các bạn diễn và ông trưởng đoàn hát.
Nếu Việt Nam không có chiến tranh và những thay đổi quan trọng sau chiến tranh thì cuộc đời nghệ thuật và cuộc tình lý tưởng của cặp đôi diễn viên tài danh Đức Minh - Mỹ Châu còn rực rỡ, sáng chói hơn nữa.
Nghệ sĩ Đức Minh mất, chú Nguyễn Phương xin chia sẻ nỗi đau quá lớn này với cháu Mỹ Châu và gia đình.
Nguyện cầu cho hương linh Đức Minh sớm tiêu diêu miền cực lạc.
Chú Nguyễn Phương . ( Montréal, Canada )
Goi ban tcgd cailuongvietnam.com
Bai Tưởng nhớ Nghe Si Đức Minh.
Nguyễn Phương
https://cailuongvietnam.com - https://cailuongvietnam.com/forum - https://cailuongvietnam.com/oldforum - https://cailuongvietnam.com/specials - https://cailuongvietnam.com/music - https://cailuongvietnam.com/english - https://www.cailuongvietnam.info - - https://www.minhcanh-mychau.comATI MULTI SERVICE