Dân trí) - Căn bệnh ung thư tử cung tái phát, u nhọt mọc khắp người, bác sĩ bảo nhập viện nhưng cô Phạm Bích Thủy không có tiền đành chịu. Cô ôm bệnh về nằm nhà cầu trời, khẩn phật nhưng vẫn lo trời phật mang mình đi thì đứa con nhỏ không người chăm lo…
Cám cảnh cuộc đời
Cô Phạm Bích Thủy (sinh năm 1962) vốn là một nghệ sĩ cải lương với nghệ danh Mỹ Lệ, dù không được nổi tiếng nhưng cũng được nhiều phòng trà, quán ăn ở TPHCM mời hát thường xuyên nên cũng đủ sống. Nhưng mọi việc đổi thay khi cô phát hiện mình bị ung thư tử cung.
Theo hồ sơ bệnh án, cô Phạm Bích Thủy bị ung thư tử cung từ năm 2005, đã tiến hành xạ trị và bình phục vì nhờ phát hiện sớm trong giai đoạn 1. Nhưng cũng chính trong thời gian chữa trị chứng ung thư, người chồng đã sống cùng nhau hơn 20 năm trời dứt áo ra đi, để lại vợ trên giường bệnh và đứa con nhỏ.
Qua gần 20 đợt xạ trị, cô Thủy bán hết gia sản tích cóp được từ thời tuổi trẻ để chữa trị chứng bệnh quái ác. Lúc khỏi bệnh thì cô đối mặt với tình cảnh khó khăn mới vì sau cơn bạo bệnh, giọng cô không còn tốt để có thể đeo đuổi nghề hát ca, tài sản thì không còn, chồng bỏ đi, đứa con trai còn nhỏ… 2 mẹ con đành dắt díu nhau về mảnh đất quê hương Tương Bình Hiệp thuê nhà sinh sống. Hằng ngày cô đi nấu cơm thuê cho các hàng quán để kiếm miếng ăn cho 2 mẹ con.
Hơn 6 năm trôi qua, cô Thủy cố gắng làm việc để nuôi con ăn học, đứa con trai Phạm Hoàng Đông Triều (sinh năm 2001) nhỏ xíu ngày nào cũng đã lên lớp 7. Tưởng chừng cuộc đời cô cũng đã qua cái đốt lận đận, bắt đầu yên ả trôi qua. Ai ngờ, đến tháng 12/2013 thì căn bệnh của cô tái phát, vùng kín ra máu, cả người nổi mụn nhọt… Căn bệnh quật ngã người phụ nữ yếu ớt vốn mưu sinh bằng nghề ca hát, phủ bóng tối lên cuộc đời hai mẹ con.
Hai mẹ con bấu víu nhau chờ đợi số phận rủi may…
“Phận mình đã hết, lo là đời con…”
Cô Phạm Bích Thủy cho biết: “Từ năm 2013 sức khỏe của tôi bắt đầu suy yếu, biến chứng thêm nhiều chứng bệnh như tiểu đường, thoái hóa cột sống và nhiều chứng bệnh phụ nữ khác. Tôi cũng cố chịu đựng, chỉ dám đi xin thuốc nam ở các chùa từ thiện uống cho đỡ đau đớn chứ có tiền đâu mà chữa trị. Hồi tháng 12 năm rồi bệnh tình nặng hơn, vùng kín ra máu và mọc nhiều mụn nhọt. Tôi đi bệnh viện Ung bướu khám thì bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị nhưng tôi xin về, vì có tiền đâu mà vào viện…”.
Nói đến đây, cô quệt nước mắt mà rằng: “Vết thương hành hạ đau đớn lắm nhưng đành chịu thôi, chỉ cầu trời phật cho mình phước lớn mạng lớn. Phận mình thôi thì đã hết rồi, có ra sao nữa đâu mà van cầu, lo là lo đời con cháu. Tôi chỉ lo mình nằm xuống thì con nhỏ sẽ ra sao, ai chăm lo cho nó…”.
Nhà cô Thủy nằm sâu trong khu làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một) của đất Bình Dương xưa kia. Đó là căn nhà tình thương cũ được chính quyền xây cho trên mảnh đất công lấn sát ra mặt đường đất đỏ. Cô Thủy than: “Muốn bán căn nhà để chữa bệnh cũng không bán được, vì nhà tình thương nhà nước cho chứ đất có cho mình đâu”.
Ông Trần Văn Hiệp, Trưởng ban nhân dân ấp 4, phường Tương Bình Hiệp cho biết: “Nhà cô Thủy vốn là hộ nghèo lâu nay, hai mẹ con khổ lắm, phường cũng có giúp đỡ hàng tháng nhưng tài chính có hạn thôi, không thể giúp hết được. Rất mong quý báo cũng như các mạnh thường quân hỗ trợ gia đình cô qua cái đận khó khăn này. Nếu cô Thủy được chữa bệnh thì tốt quá!”.
Còn với cô Thủy, điều cô lo lắng nhất lúc này không phải là bệnh tình của mình mà là việc học của con. Cô Thủy cho biết: “Từ ngày đổ bệnh, tôi không đi làm được, cái ăn mặc của hai mẹ con còn khó huống hồ gì tiền chữa bệnh hay tiền học cho con”.
Năm hết, tết sắp đến nhưng trong căn nhà nhỏ này không chút vui vẻ, không khí nặng nề còn hơn chứng bệnh quái ác mà người phụ nữ yếu ớt đang mang. Hai mẹ con bấu víu nhau chờ đợi số phận rủi may…
http://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/t ... 826593.htm