Không ai tin rằng Mạnh Tràng thay Phước Sang làm được ông bầu của Sân khấu Kịch Sài Gòn nhưng anh đã làm tốt theo cách của mình suốt 15 năm qua
Sân khấu Kịch Sài Gòn đang triển khai kế hoạch tổ chức chương trình kỷ niệm 28 năm thành lập với 2 vở kịch "Bông hồng trắng" và "Ma nhập". Cách đây 15 năm, khi Mạnh Tràng tiếp nhận vai trò chủ nhiệm Sân khấu Kịch Sài Gòn thay ông bầu Phước Sang, không ai tin rằng anh sẽ làm được. Thế nhưng, thực tế 15 năm qua đã chứng minh Mạnh Tràng còn làm tốt hơn những gì đã có. Từ một tuần chỉ 3 suất diễn, đến nay, Sân khấu Kịch Sài Gòn diễn mỗi tuần 9 suất. Ở tuổi 28, đây là sàn diễn xã hội hóa có lượng khán giả đông nhất hiện nay.
Cần cù bù sắc vócSo với đồng nghiệp cùng trang lứa, cuộc đời nghệ sĩ Mạnh Tràng có hậu vận tốt. Mạnh Tràng cho biết lúc anh vào học ở Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 TP HCM, nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP, nhiều đồng môn tỏ ra thương hại, cho rằng anh chẳng thể làm được nghề diễn viên vì tướng tá, gương mặt quá xấu, lại rụt rè, ăn nói kém duyên. Bù lại, anh rất đam mê nghề diễn, siêng năng, chăm chỉ làm lụng, học hỏi nên ai nhờ việc gì cũng nhận, từ hậu đài, vác cảnh, nhắc tuồng cho đến đóng quân sĩ, cầm cờ, làm tiếng động hậu trường: chó sủa, ngựa hí, mèo kêu... Thấy vậy, một số bạn bè nói lời khen nhưng sau lưng là những lời thương hại.
Mạnh Tràng đóng vai thợ điện trong vở “Quỷ ám” trên Sân khấu Kịch Sài Gòn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đến khi ra trường, Mạnh Tràng lại rơi vào cảnh thất nghiệp vì chẳng nơi nào dung nạp. "Để có cơm ăn, tôi phải làm công việc vá xe đạp ở lề đường" - nghệ sĩ Mạnh Tràng nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp gian nan.
Cho đến một ngày, người thầy dạy học môn kỹ thuật biểu diễn là đạo diễn Hữu Luân đi ngang đường nhìn thấy cậu học trò ngồi vá xe bèn bước vào hỏi: "Bộ em định bỏ nghề thiệt hả?". Gặp thầy với bộ dạng không mấy sạch sẽ, Mạnh Tràng luýnh quýnh khoanh tay thưa: "Em nhớ nghề lắm nhưng nghề không chấp nhận em!".
Nhờ đạo diễn Hữu Luân, khi đó là Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh Niên, "mở đường" nên Mạnh Tràng có cơ hội quay lại nghề diễn. Anh cùng với Hoàng Sơn, Phước Sang, Mai Dũng, Minh Thủy, Nhựt Cường... lập nhóm hài Tuổi Đôi Mươi. Đó là một trong những nhóm hài trẻ nhất của TP HCM thời ấy, tiếp bước sau các nhóm của những nghệ sĩ tiền bối: Bảo Quốc, Nguyên Hạnh, Mỹ Chi, Duy Phương... Từ sân khấu hài 135 Hai Bà Trưng trực thuộc Nhà Văn hóa Thanh Niên, Mạnh Tràng có cơ hội đặt chân lên sàn diễn, chấm dứt thời dầm mưa dãi nắng kiếm sống bằng nghề vá xe đạp.
"Tôi mang ơn thầy Hữu Luân, nếu không có thầy, tôi không có cơ hội theo nghề diễn như hôm nay" - anh xúc động.
Thay đổi số phận sàn diễnLà anh rể của ông bầu Phước Sang, Mạnh Tràng tiếp nhận Sân khấu Kịch Sài Gòn còn ở vị trí "vàng" trên đường Pasteur (quận 1, TP HCM) đang ăn nên làm ra. Phước Sang trao quyền điều hành sân khấu cho anh rể là để mình rảnh tay đầu tư làm phim, kinh doanh bất động sản, nhà hàng... Đó là công việc nặng nề, áp lực không nhỏ đối với một nghệ sĩ chưa được học gì về quản lý như Mạnh Tràng. Bằng mọi cách, anh phải làm cho sân khấu hoạt động tốt. Mọi chi tiêu, tính toán lời lỗ của sân khấu này đều do Mạnh Tràng quyết định vì Phước Sang đã "giao kèo" không bù lỗ dưới mọi hình thức.
"Ban đầu, nhiều người nghi ngờ cách quản lý của tôi. Nhưng rồi từ hai bàn tay trắng, sau khi dời sàn diễn từ quận 1 về rạp Đại Đồng (đường Cao Thắng, quận 3), tôi đã thay đổi chiến lược để vực dậy sàn diễn cũ kỹ lâu nay chỉ trình diễn cải lương. Giảm giá vé, tăng suất diễn, ổn định mức lương để diễn viên bảo đảm thu nhập mỗi ngày. Dòng kịch tôi chọn cũng xuất phát từ nhu cầu khán giả, dựa theo thị hiếu và điều chỉnh để kịch mục sinh động. Tính đến nay, gần 70 vở kịch hài pha kinh dị đã được dàn dựng và trình diễn thường xuyên ở đây. Kịch Sài Gòn cũng là nơi áp dụng hình thức bán vé qua mạng đầu tiên tại TP HCM, có giảm giá khuyến mãi nên số đông người xem tìm đến và trở nên thân quen với sàn diễn này. Nhờ vậy, chúng tôi mới có khán giả để diễn 9 suất/tuần. Cứ đầu tháng lại tập vở mới" - nghệ sĩ Mạnh Tràng phấn khởi.
Cách thức Mạnh Tràng tuyển chọn diễn viên trẻ cho sân khấu của mình cũng rất khác. "Ban đầu là thử hài, sau đó chuyển sang bi. Ai thể hiện tốt sẽ hiển nhiên trở thành nhân tố của sàn diễn" - nghệ sĩ Linh Tý, kép chánh hiện nay của Kịch Sài Gòn, cho biết sau 3 tháng thử việc.
Cách đặt hàng viết kịch bản của Mạnh Tràng cũng lạ. Anh đọc báo, xem đài nắm bắt thời sự, sau đó tìm gặp tác giả trao đổi ý hướng của mình. Khi xem kịch bản, anh xin phép được mổ xẻ để thêm thắt nhiều mảng miếng cho hợp với "cái tạng" của Kịch Sài Gòn.
"Với cách làm của Mạnh Tràng, tác giả chỉnh sửa ngay sàn tập, tạo cơ hội cho nhiều ngòi bút bám sát những vấn đề đang đặt ra của cuộc sống thực tế và biết "đo ni đóng giày" theo dàn diễn viên của Kịch Sài Gòn, từ đó đạt hiệu quả nghệ thuật và kinh doanh. Vở "Hồn ma báo oán" của tôi diễn gần 6 năm qua tại Kịch Sài Gòn mang lại cho tôi vài trăm triệu đồng tiền tác quyền" - tác giả Vương Huyền Cơ cho biết.
Vật lộn với thử tháchKhi nghệ sĩ Mạnh Tràng có được thành tựu, chỗ đứng vững vàng, được đánh giá là vị quản lý sân khấu xã hội hóa mạnh của sân khấu kịch TP HCM thì thử thách cuộc đời đã không buông tha anh. "Tôi lại vật lộn ngày ngày với căn bệnh gan, huyết áp. Hoàn cảnh này không cho phép tôi nhụt ý chí, sợ hãi co rụt lại mà phải mạnh mẽ, tìm kiếm sự bình an trong nội tâm để hoàn thành sứ mệnh. Trên vai tôi là cuộc sống của mấy chục anh em công nhân, diễn viên. Thử thách này không thể đánh gục tôi" - anh tâm sự.
Thanh Hiệp - NLĐ