gửi bởi mecailuong » Thứ 3 Tháng 10 25, 2005 7:43 pm
Vĩnh biệt soạn giả Thu An!
Soạn giả YÊN LANG
[align=center]Mùa Thu có gió đầu sông
Người đi có buồn trong lòng
Nằm ở đầu sông nhớ gió
Chiều về chòi nhỏ nhớ sông
Muốn đi thì đừng thèm nhớ
Mà sao rưng rức trong lòng
Ba năm không về một bận
Mẹ còn vá áo chờ trông
Bốn năm không về một bận
Người xưa đã đi lấy chồng
Mùa Thu có gió đầu sông
Người đi có buồn trong lòng?
[/align]
Những câu thơ về mùa Thu, tôi viết từ lúc mới vừa tập tành học nghề soạn giả cải lương, có lẽ đã trên 40 năm rồi thì phải.
Mùa Thu năm nay, năm Ất Dậu 2005, tôi đang sống trên vùng đất Nam Cali với nắng vàng trải ấm, tôi không biết mùa Thu đến từ bao giờ, và chừng nào sẽ ra đi? Tin tức từ khắp nơi với những cơn thiên tai thảm họa, dồn dập gởi đến qua các đài phát thanh tiếng Việt. Cướp mất sinh mạng, tàn phá tài sản của biết bao gia đình, trong đó có không ít người cùng đồng bào chủng tộc với tôi.
Mới đây tôi nhận được thêm 1 tin buồn, soạn giả Thu An, một tên tuổi lớn trong bộ môn nghệ thuật cải lương, vừa vĩnh viễn ra đi. Tôi không qua bàng hoàng xúc động, như lần trước tôi nhận được tin soạn giả Hoa Phượng đột ngột từ giã cuộc chơi, khi tuổi đời vừa qua khỏi năm mươi. Với ngòi bút tài hoa ngần ấy, soạn giả Hoa Phượng ra đi sớm quá, đáng lý anh phải ở lại thêm nhiều năm, trả cho hết nợ tằm, đóng góp cho sân khấu cải lương thêm vài vở tuồng ăn sâu vào lòng khán giả.
Cách đây không lâu, tôi lần lượt nhận được tin các soạn giả Hà Triều, Mộc Linh, Thế Châu, Yên Ba, những người bạn đồng nghiệp của tôi, giã từ sân khấu, ra đi trong âm thầm lặng lẽ. Và giờ đây nguồn tin mới nhứt, nhà thơ Thanh Tùng báo cho tôi hay, soạn giả Thu An đã thực sự ra đi vĩnh viễn. Thế là võ lâm ngũ bá trong hàng ngũ soạn giả cải lương, đã nối bước nhau tìm về 1 phía trời bình yên nào đó. Chỉ trừ duy nhứt 1 người còn ở lại, đó là soạn giả Hoàng Khâm, tác giả của các vở tuồng: Người Đẹp Bạch Hoa Thôn, Lỡ Bước Sang Ngang, Bông Hồng Cài Áo, Thảm Kịch Tuổi Xanh. Đã lâu lắm rồi tôi không được tin tức gì về Hoàng Khâm, không hề thấy anh xuất hiện trong sinh hoạt cải lương những năm gần đây. Chắc anh đang sống lặng lẽ một nơi nào đó ở Sàigòn, đang âm thầm nhớ lại những ngày tháng rực rỡ của bộ môn cải lương trước năm 75.
Trong nhóm Võ lâm ngũ bá của hàng ngũ soạn giả cải lương, gồm: Thu An, Hà Triều, Hoa Phượng, Mộc Linh, Hoàng Khâm, soạn giả Thu An là người lớn tuổi nhứt, ông sinh năm 1923 tại Bến Tre, lớn hơn nhóm Hà Triều, Hoa Phượng, Mộc Linh, Hoàng Khâm khoảng độ trên dưới 10 tuổi. Tên ông đứng đầu nhóm Võ lâm ngũ bá, không phải vì ông lớn tuổi hơn 4 soạn giả còn lại, mà vì tài năng tuyệt vời của ông, thành công cả trên 2 lĩnh vực. Thứ nhứt những vở tuồng của soạn giả Thu An viết, đều ăn khách từ trung bình trở lên, đặc biệt còn có vài vở tuồng nổi bật, như kịch bản Hai Chiều Ly Biệt làm rực sáng bảng hiệu Kim Chưởng, đồng thời khắc đậm hình tượng của kép độc Trường Xuân trên đỉnh cao nghệ thuật. Kịch bản Tiếng Trống Sang Canh, khai trương bảng hiệu Thủ Đô, mở màn giai đoạn thực hiện sân khấu huy hoàng tráng lệ. Đồng thời đưa tên tuổi ba diễn viên trẻ Thanh Hải, Ngọc Hương, Thanh Thanh Hoa vào hàng ngũ nghệ sĩ ăn khách của thời kỳ ấy.
Thứ 2, soạn giả Thu An, có đôi bàn tay kỳ diệu, khi điều khiển sân khấu nào đều đưa sân khấu đó lên đỉnh vàng son. Các trang kịch trường của báo chí Sàigòn trong giai đoạn ấy, cho rằng đôi bàn tay phù thủy của soạn giả Thu An, đã giúp cho đoàn Kim Chưởng trở thành Đệ Nhứt anh hùng lưu diễn. Và sau đó, ông đã xây dựng đoàn Thủ Đô của ông bầu Ba Bản, một sân khấu thật lộng lẫy, hoành tráng. Bắt buộc các đoàn đại bang khác như: Thanh Minh, Kim Chung, Kim Chưởng và Dạ Lý Hương sau nầy, cũng phải thực hiện một sân khấu huy hoàng tráng lệ, mới có thể đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của khán giả lúc bấy giờ.
Trong giới soạn giả sân khấu cải lương hiện nay ở Sàigòn, nếu tôi nhớ không lầm thì chỉ còn hai bóng cổ thụ, đó là soạn giả Thu An và Viễn Châu. Hai ông đều tuổi trên 80, cùng xuất thân và nổi danh từ đoàn Kim Thanh của bốn ông bà bầu, Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thanh Tao và Thúy Nga, khoảng năm 1953. Có một điều khá đặc biệt, hai ông cũng là đồng nghiệp và khởi đầu cùng chung một sân khấu, nhưng tính chất của hai người hoàn toàn khác nhau. Soạn giả Thu An lạnh lùng ít nói, cuộc sống của ông có vẻ đơn độc, ít giao tiếp bạn bè, chỉ thích uống cà phê đen, không hề uống rượu. Ngược lại, soạn giả Viễn Châu vui tính, hòa nhập dễ dàng với người chung quanh, thường đàn đúm với nhóm anh em soạn giả trẻ, nhậu nhẹt vui chơi, bất kể ngày đêm.
Bài sau: Một vài kỷ niệm đáng nhớ giữa soạn giả Thu An và soạn giả Yên Lang.