Nguyễn Thị Ngọc Trâm : NHỚ QUÁ TRƯỜNG KỲ ƠI – ĐỒNG NGHIỆP CỦA TÔI
http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=26208&chapter=1
Một người bạn ở Canada báo tin qua email anh bị đột quỵ ở Toronto và mất tại bệnh viện.
Tết Kỷ sửu 2009 vừa qua anh về ăn tết với gia đình ở Việt Nam và trở lại Canada vào cuối tháng 2/2009.
Trường Kỳ là một nhà báo chuyên viết về văn hoá, văn nghệ, âm nhạc trước năm 1975 ở Sài Gòn, là người khởi xướng phong trào nhạc trẻ từ thập kỷ 60, danh từ “nhạc trẻ” được thịnh hành cho đến nay và luôn sôi động ở trong nước. Trường Kỳ cũng là người “bịa” ra cái tên cho quán cơm “Bà Cả Đọi”, nguyên là một quán cơm bình dân không có tên tuổi nên khách thường gọi là “quán cơm bà Cả” (gọi theo chồng), quán ngự tận trên căn lầu nhỏ, trong một cái hẻm nhỏ, đi lên bằng cái cầu thang xi măng nhỏ ở đường Nguyễn Huệ, Quận Nhất. Thủa ấy mỗi lần Trường Kỳ, Nam Lộc, Elvis Phương, Trung Hành và các bạn đi tập văn nghệ về cũng là lúc đói, cả nhóm nhạc lại đến quán vừa đi vừa xoa bụng nói vui “đọi quá, đọi quá” rồi cùng ngồi chễm trệ trên bộ phản ăn cơm, ăn thường ngày trở nên thân với bà chủ quán. Trong một lần tỉ tê thăm hỏi, Trường Kỳ đề nghị bà Cả lấy tên quán là “Bà Cả Đọi”. Anh giải thích “đọi” được lái ra từ “đói”, bởi khách mỗi lần đói mới lên đây ăn. Bà Cả giẫy nẩy la lên: “Cái nhà anh phải gió này, đặt tên như thế thì ai còn dám tới ăn nữa?” Rồi bà Cả cười ha hả. Bà tưởng đó chỉ là nói “Zdui” vậy thôi. Thế rồi cái tên Bà Cả Đọi lúc đầu được truyền miệng trong giới ca sĩ trẻ, dần dần được cả Sài Gòn biết, bây giờ thì cả nước biết.
Sau khi Trường Kỳ định cư tại Canađa, anh tiếp tục làm báo chuyên viết về văn nghệ. Năm 2003 anh trở về thành phố xưa bao năm xa nhớ, sau đó năm nào anh cũng về Việt Nam. Mỗi lần về là anh lại dung dăng dung dẻ đi thăm các thắng cảnh nổi tiếng trong nước, từ vịnh Hạ Long tới vùng cao nguyên Pleiku. Là người sanh ăn, là người chuyên viết về văn hóa ẩm thực, đi tới đâu Trường Kỳ cũng không quên thưởng thức các món ăn dân dã của quê nhà mà bấy lâu ở hải ngoại không có điều kiện thưởng thức thỏa thê. Nhưng chẳng nơi đâu được anh chú ý văn hóa ăn uống như ở Sài Gòn, một thành phố mang đầy ắp kỷ niệm thời thơ ấu và thời trai trẻ của anh. Ăn – với Trường Kỳ không đơn giản chỉ để thưởng thức những món ngon của quê hương mà qua đó anh tìm lại hình ảnh và ngôn ngữ của cái thuở “khi xưa ta bé ta chơi” như anh thường nói.
Sáng nào cũng nhâm nhi với các bạn cũ tại các quán cà phê, thế là về anh có loạt bài viết “Sài Gòn cà phê sáng’. Đi nhiều, ăn nhiều để thấy được qua mỗi chặng đường lịch sử của quê hương thì các món ăn đã thay đổi sắc màu, hương vị và văn hóa ăn uống đi cùng với nó như thế nào ? Rồi anh lại có loạt bài “Sài Gòn ăn trưa”. Có những quán ăn, món ăn mà người dân “thổ địa” chưa biết mà anh đã tìm và phát hiện ra để thưởng thức từ nhà hàng cỡ 5 sao ở Sofitel Saigon Plaza đến quán “miến chửi” ở đường Nguyễn Du quận Nhất, bún chả Hà Nội ở đường Trần Quốc Thảo, phở Dậu ở Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bánh cuốn bình dân ở đường Kỳ Đồng quận Ba, 7 món đà điểu ở quận Nhất. Ông cảm thấy thích thú ẩm thực Sài Gòn với vô số nhà hàng “phát tiển khủng khiếp” qua mặt hẳn Chợ Lớn, rằng cái câu “Ăn cơm Tầu, ở nhà Tây, ngủ giường Hồng Kông, lấy vợ Nhật” đã lỗi thời. Trở về Montreal, Trường Kỳ lại ra lò loạt bài “Sài Gòn: Hành trình ẩm thực”. Chuyến về thăm quê hương vừa rồi anh phát hiện quán “Biển nhớ” của vợ chồng nghệt sĩ Phước Sang bên quận Tư, quán lẩu ở đường Lê Thánh Tôn, v v…
Thỉnh thoảng Email cho tôi, anh thông tin là gia đình vẫn khỏe, còn anh vẫn đi “cày bừa” bình thường. Vâng, ý anh nói là vẫn đi và viết.
Là một nhà văn, nhạc sĩ, nhưng Trường Kỳ giản dị, hiền lành, thân thiện gần gũi với mọi người. Dường như anh chưa mất lòng ai, giới ca sĩ hải ngoại nhắc đến tên anh với một âm sắc trân trọng, trân trọng một cây viết nhạc sung sức của những năm 1960. Thủa ấy chàng trai Trường Kỳ là người đầu tiên trong Sài Gòn nói riêng và cả nước sau này nói chung sáng lập ban nhạc trẻ, người ta đã gọi anh là “Ông Vua nhạc trẻ”, “Ông Vua Hippy”. Nhờ phong trào nhạc trẻ mà ngày nay, nhiều ca sĩ nổi danh từ giòng nhạc này, công lao của Trường kỳ với nền âm nhạc nước nhà quả là không nhỏ. Rồi có thể không bao lâu nữa, những người thành đạt từ nhạc trẻ, những ngườiõ yêu mến nhạc trẻ, những nghệ sĩ sẽ tổ chức những đêm diễn hát lại các ca khúc do ông sáng tác và những ca khúc nước ngoài do ông chuyển sang lời Việt để tưởng nhớ nhạc sĩ Trường Kỳ và cũng sẽ có nhạc sĩ, ca sĩ thương tiếc ông khắc tượng ông. Và, thế hệ sau cũng có thể ghi nhớ Trường Kỳ và tôn vinh Trường Kỳ là ông Tổ của giòng nhạc trẻ.
Sự ra đi đột ngột của anh làm tôi bàng hoàng, một con người đi và làm việc không biết mệt mỏi. Cuốn sách thứ 8 của anh viết về phong trào âm nhạc của các ca sĩ hải ngoại và ca sĩ trong nước không biết đã xong chưa ? Cuốn sách “Sống để mà ăn” cuả ông không biết đã hoàn thành chưa ?
Tối hôm thứ hai ngày 23/2/2009 tôi và Trường Kỳ cùng chị Xuân Huyền vợ anh ngồi ở “quán Tôi” gần quán Phở Giao Linh cũ trong hẻm Cách Mạng Tháng 8 quận Ba không ngờ là buổi gặp gỡ cuối cùng tôi gặp anh. Anh còn nói rằng về Canada sẽ viết một bài đánh giá 10 quán ăn ấn tượng nhất và 10 quán ăn dở nhất anh đã ăn trong chuyến về này.
Tại sao người như anh lại ra đi sớm thế ? Từ nay các quán cơm của Bà Cả Đọi, phở Dậu, 7 món đà điểu, bánh xèo, bánh cuốn và các quán ăn mà anh đã từng đến sẽ không thấy anh nữa. Ngôi nhà của gia đình anh ở đường Bà Huyện Thanh Quan quận Ba từ nay cũng không thấy Trường Kỳ trở về. Mái ấm của ông tại Montreal từ nay vợ con ông cũng không còn nghe bước chân của ông đi về sớm tối. Từ nay điện thoại số 090 9 907 323 ở Việt Nam sẽ không còn ai nghe tiếng “Hello Trường Kỳ đây” nữa. Sẽ không bao giờ ai nhận được Email “kyvu” của anh. Anh đã để lại bao thương tiếc cho giới nghệ sĩ và bạn bè.
Nhớ quá Trường Kỳ ơi. Người đồng nghiệp của tôi.
NGUYỄN THỊ NGỌC TRÂM
2009-03-25 15:42:12