gửi bởi vanduyanh » Thứ 2 Tháng 11 01, 2010 4:04 am
Những ngày đầu đến với nghệ thuật cải lương bà viết kịch bản với nghệ danh là Cô Nguyệt, Hoàng Thị Nguyệt và sau cùng là Nhị Kiều.
Năm 1954, Đoàn hát Việt Kịch Năm Châu xuống tỉnh Bến Tre biểu diễn, lúc đó bà đã 33 tuổi. Đem lòng ái mộ NS Tám Vân (người đóng vai Duy Bạt trong tuồng Gió ngược chiều) bà quyết định sánh duyên cùng ông, theo ông trên khắp nẻo đường lưu diễn.
Yêu chồng và đam mê sân khấu, bà học cách soạn tuồng, học viết và học ca cổ.
Văn chương của soạn giả Nhị Kiều nhiều nữ tính, nhẹ nhàng, ngay trong những đoạn gay cấn thì lời văn của bà vẫn mộc mạc, chân chất. Chuyện tuồng phần lớn được xây dụng một mạch có đầu có kết, như thể loại kể chuyện, ảnh hưởng nhiều từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh.
Ban đầu phần lớn tác phẩm của bà đều hợp soạn, trong thời gian từ năm 1963 đến năm 1972, bà đã viết chung với các soạn giả nhiều kịch bản hay như: Đợi ánh bình minh, Chiếc lá giữa dòng, Phụng Kiều Lý Đáng, Hoa đồng cỏ nội (với Nguyễn Phương),.Hương lúa tình quê, Trăng rụng bến Từ Châu, Kim Hồ Điệp, Lỗi tình cố nhân (với Anh Tuyến), Khói sóng Tiêu Tương (với soạn giả Hà Triều Hoa Phượng), Những đứa con lai (với Thanh Cao), Mùa sen trắng nở, Mạnh Lệ Quân, Thạch phá thiên, Đường về Vạn Kiếp (với Nguyên Đạt), Bao Công xử án Trần Thế Mỹ, Sở Vân, Đường nào lên thiên thai (với Hoàng Lan), Qua cầu đắng cay, Tâm sự cha tôi, Thanh Xà Bạch Xà, Anh Bảy Chà, Mùa thu lá bay, Cánh chim bạt gió (với Thế Châu)…
Khi đã khẳng định tên tuổi, bà đã phóng tác theo tiểu thuyết của nhà văn Ngọc Linh thành kịch bản Nắng sớm mưa chiều, và tiểu thuyết của nhà văn Trang Thế Hy thành kịch bản Vầng trăng bên kia sông.
Sau năm 1975, bà đã sáng tác các kịch bản: Hoa cẩm chướng, Huyền thoại một chuyện tình, Giọt mưa thu, Lỡ chuyến đò thương, Vết thương kỷ niệm, Vị đắng lá sầu đâu, Trăng nước Lạc Dương Thành, Người khách thương hồ, Nửa đêm chợt tỉnh, Lòng người bạc đen, Truyền thuyết tình yêu…
Nguoilaodong online