08:02 PDT Thứ tư, 15/05/2024
trang music

Menu

xuan lan
CLVNCOM English Edition
HÌNH MCHAU PMAI

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 106

Máy chủ tìm kiếm : 18

Khách viếng thăm : 88


Hôm nayHôm nay : 17505

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 914487

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 77949580

Trang nhất » Tin Tức » Mầm Non Nghệ Thuật

Gìn vàng, giữ ngọc…

Đăng lúc: Chủ nhật - 26/01/2014 06:08 - Đã xem: 4439
Gìn vàng, giữ ngọc…

Gìn vàng, giữ ngọc…




Tiếng đờn phóng khoáng, giai điệu nhặt khoan cùng những lời ca dân dã, bình dị của đờn ca tài tử (ĐCTT)- một đặc sản của đất phương Nam- luôn có sức hút đặc biệt. Giữa nhịp đời đô thị ồn ã với sự hấp dẫn của nhiều loại hình giải trí mới, ĐCTT vẫn như một mạch ngầm căng tràn nhựa sống, thấm vào từng ngõ ngách, để cuộc đời thêm tươi mát. Gìn giữ "tiếng lòng người phương Nam", thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước trút lòng mình trên chiếu tài tử…
"Của để dành"

"Người là viên ngọc quý. Dáng đứng ông cao lồng lộng. Giặc sợ run khiếp đảm kinh hoàng trước người cộng sản hiên ngang. Đó là ông Châu Văn Liêm…"- cô bé 12 tuổi lấy hơi đầy đặn, chững chạc thể hiện 21 câu Long Ngâm bài "Người là viên ngọc quý" một cách đầy cảm xúc khiến khán giả của Liên hoan ĐCTT TP Cần Thơ lần thứ VI- năm 2013 phải ngỡ ngàng. Đó là "nghệ nhân" ĐCTT 12 tuổi Lê Thị Thanh Trúc, thành viên ban ĐCTT huyện Thới Lai. Hoàn thành tiết mục, Thanh Trúc bước ra sau cánh gà, tay quệt vội giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt bầu bĩnh, hồn nhiên khoe: "Bữa nay con hát được, vui lắm!". Thạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc- Nhạc viện TP Hồ Chí Minh cũng khen tặng: "Tuổi nhỏ mà ca diễn thành thục vầy là rất quý, là "của để dành" của ĐCTT đấy!". Tiết mục của Thanh Trúc được trao giải xuất sắc tại Liên hoan.

Image
Bé Thanh Trúc trên sân khấu cuộc thi "Hò Xự Xang Xê Cống". Ảnh do nhân vật cung cấp


Nhà của bé Thanh Trúc nằm khuất trong con rạch nhỏ thuộc ấp Định Yên, xã Định Môn, huyện Thới Lai. Vừa đến đầu xã, hỏi nhà Thanh Trúc, bà con đều "nhấn" lại: "Phải bé Trúc ĐCTT hôn?", rồi chỉ đường. Hôm chúng tôi đến, Trúc đang cùng ông bà ngoại tập lại những tiết mục để tham gia cùng đoàn TP Cần Thơ trình diễn trong chương trình "Tái hiện chợ nổi Nam bộ" tại Tuần lễ Văn hóa- du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra ở Hà Nội. Ca chưa tròn chữ đờn, Thanh Trúc dừng lại, nhờ ông ngoại dạo để em vô cho đúng. Có những đoạn Trúc lấy hơi chưa tới, em tập đi tập lại hàng chục lần, khan cả giọng. Thấy vậy, bà ngoại của Thanh Trúc tặc lưỡi: "Ca chưa được là cháu không chịu buông ra đâu, tập đến chừng nào chỉn chu mới thôi!".

Nhà ngoại Trúc là "trụ sở" của nhóm ĐCTT dòng họ Lương nên từ nhỏ Trúc đã theo nghe ông bà ngoại ca diễn. Tiếng đờn lời ca dìu dặt ăn sâu vào tâm thức em lúc nào không hay. Lên 8 tuổi, Trúc đã có thể ca rất nhiều điệu lý Nam bộ và nhất là bản Vọng Kim Lan, đoạt luôn giải Nhất tại Liên hoan văn nghệ cấp huyện. Từ đó, Thanh Trúc càng say mê, tập luyện bài bản tài tử từ dễ đến khó: Nam Ai, Nam Xuân, Giang Nam Cửu khúc, Long Ngâm… Cô bé 12 tuổi dần dần chinh phục những bài bản cần cầm hơi nhiều, lên bổng xuống trầm, vốn chỉ dành cho những người đã hoàn thiện làn hơi. Hễ rảnh rỗi việc học, Thanh Trúc lại lấy xấp bài ca để o luyện. Em khoe: "Con mới vừa lọt vào tốp 4 của cuộc thi "Hò Xự Xang Xê Cống" do Đài PT-TH An Giang và Trường Đại học An Giang tổ chức, đang nhờ ông bà ngoại tập luyện để thi chung kết xếp hạng". Để có được thành quả đó, Trúc đã vượt qua gần 500 thí sinh của khu vực Nam bộ với hàng chục phần thi cả về ca diễn lẫn kiến thức ĐCTT.
Image
Hồng Kim với chất giọng trong trẻo thể hiện những bài bản vắn qua tiếng đờn của cha mẹ. Ảnh: DUY KHÔI


Cũng thuộc dạng "của để dành" của ĐCTT Cần Thơ như Thanh Trúc, em Nguyễn Hồng Kim, 16 tuổi, ở chợ Ngã Tư, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, đi vào lòng người mộ điệu với nhiều bài bản khó. Mới 7, 8 tuổi, Hồng Kim đã theo cha mẹ là những tài tử có tiếng của phường đi hát hò khắp nơi và tập tành ca theo. Năm 2007, năm 10 tuổi, Hồng Kim đã ca được bản Phụng Hoàng Lai Nghi và đoạt giải Xuất sắc của Liên hoan ĐCTT quận Bình Thủy. Liên tục 3 năm sau đó, Hồng Kim đều mang về cho đội nhà giải xuất sắc với những điệu thức khó như: Liên Nam, Đảo Ngũ Cung... Bà Dương Ngọc Thành, mẹ của Hồng Kim, bộc bạch: "Hồng Kim sáng dạ lắm, có những bài bản tới giờ này tôi ca chưa tới nhưng cháu nó ca ai cũng khen".

Yêu và đam mê những điệu "Xàng, Xê, Liu, Cống", từ nhỏ, Hồng Kim được thầy đờn mù Ba Thum ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, nhận dạy ca nên hễ rảnh việc học là Kim đạp xe đạp đến nhà thầy nhờ chỉ dạy. "Có hôm đang ăn cơm, Kim bỏ dở, lấy xe đạp đến nhà thầy chỉ vì tức chữ "xề" vô chưa tới!"- cha mẹ Hồng Kim nhớ lại. Hiện nay, Hồng Kim đang ở TP Hồ Chí Minh giúp việc cho chị ruột, rảnh việc là Hồng Kim lại mang tiếng ca từ đồng ruộng phục vụ cho lối xóm thị thành. Hễ địa phương có chương trình, cha mẹ "alô" là Kim về ngay.

Chắt chiu từ những đam mê

Tình yêu, đam mê ĐCTT của Thanh Trúc, Hồng Kim hay bé Phúc Vương ở quận Ninh Kiều, em Thanh Dung ở quận Thốt Nốt…- những "của để dành" của nghệ thuật ĐCTT Cần Thơ- được hình thành trên nền tảng gia đình. Những đam mê được chắt chiu từ thế hệ này truyền đến thế hệ khác, cứ thế ngày một lớn dần lên và lan tỏa...

Ông Tám Hưng, ông ngoại của bé Thanh Trúc, một tay chỉnh lại dây đờn ghi-ta phím lõm, một tay nhấn phím đờn rồi nói rằng, dòng họ Lương của vợ ông, bà Lương Thị Tuyết Hoa, đã năm đời theo nghiệp đờn ca. Họ tộc có hơn 30 người thì hết 20 người biết đờn ca, có thể diễn trích đoạn cải lương, tuồng tích hẳn hoi. Dường như dòng máu văn nghệ đã chảy trong huyết quản của các thành viên họ Lương ngay từ khi họ mới được sinh ra. Lạ hơn là dâu, rể của họ Lương khi về sống dưới mái nhà chung cũng lấy ĐCTT làm thú vui và là sợi dây gắn kết tình thân. Ông Tám Hưng bộc bạch: "Mê dữ lắm! Những lúc vì mưu sinh phải buôn bán thương hồ, không được đờn ca với nhau, buồn đứt ruột. Bởi vậy đi tới miệt Cà Mau, Bạc Liêu, nghe có ĐCTT là xin ca một bản rồi chống ghe đi cũng mát lòng mát dạ".

Nhìn lại chặng đường gần 5 năm theo nghiệp hát xướng của bé Thanh Trúc, có thể nhận thấy gia đình, dòng họ đã chắp cánh cho tiếng hát và ước mơ ĐCTT của em. Ông cố năm nay đã 80 tuổi- một bầu gánh hát hơn 50 năm về trước- luôn chỉ dẫn Trúc cách diễn xuất; ông bà ngoại thì o luyện chữ đờn, cách ca; cha mẹ và các ông cậu, bà dì, anh chị cùng nhau góp ý, chỉnh sửa, mỗi người truyền dạy cho em một chút. Mỗi khi Trúc chuẩn bị đi thi, nhà em lại rộn ràng như hội. Trang phục, trang điểm, phương tiện đi lại của Trúc được mọi người chăm lo rất chu đáo.

Trong buổi sáng mát trời của những ngày chớm Xuân, ông Nguyễn Hoàng Thơm (Ba Thơm), cha của Hồng Kim, tỉ mẩn lau lại cây đờn cò, đờn sến và cây ghi-ta phím lõm rồi nâng nhẹ phím đờn, dạo thử mấy khúc Nam Xuân khiến lòng người lâng lâng xúc cảm. Trong căn nhà chật hẹp, chất đầy tạp hóa, chỗ trang trọng nhất ông dành treo ba cây đờn bọc trong giấy kiếng mà ông gọi là "gia tài" của mình. Ông Ba Thơm nhớ lại cái thời đi hát giao lưu trong xóm mấy chục năm về trước. Khi ấy, bà Dương Ngọc Thành, vợ ông hiện nay, là một trong những cô gái có sắc lại nhu mì nhất xóm để ý ông vì đờn hay ca giỏi. Mến tiếng đờn lời ca rồi yêu luôn người trình diễn, ông bà nên vợ nên chồng. Cuộc sống thường nhật, cứ xong việc đồng áng, ông Ba Thơm lại cầm đờn dạy vợ hát sao cho thật đẹp, thật mùi. Và rồi bà Ba Thơm dần trở thành một trong những giọng ca nữ chủ lực của câu lạc bộ ĐCTT Thới An Đông. Cuộc tình của ông bà "có hậu" khi ba cô con gái lần lượt ra đời đều yêu văn nghệ. Hai chị lớn của Hồng Kim giờ đã có gia đình riêng nhưng cũng rất mê ĐCTT và là hạt nhân trong các phong trào văn nghệ ở TP Hồ Chí Minh. Riêng với Hồng Kim, từ khi chập chững bước vào con đường ĐCTT, em đã được cha mẹ, hai chị và các cô chú trong câu lạc bộ chỉ dẫn nhiệt tình về nhịp nhàng, cách lấy hơi. Nhưng quan trọng hơn cả là vun đắp cho em có thêm tình yêu, niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này.

Căn nhà nhỏ của ông Ba Thơm trong chợ Ngã Tư chiều nay thật rộn ràng. Ông Ba đang đờn cho vợ và con gái Hồng Kim tập ca mấy bài bản vắn. Giọng ngùi ngùi của bà Ba hòa cùng giọng trong trẻo của Hồng Kim lan tỏa trong không gian của phiên chợ chiều cuối năm. Khách đi chợ dù tất bật mấy cũng dừng chân lại chốc lát để nghe "con nhà ai mà hát hay quá!", để nghe tình yêu ĐCTT của mái ấm nhỏ này.

* * *

Những ngày đầu tháng 12-2013, Việt Nam đón nhận tin vui: UNESCO chính thức công nhận "ĐCTT Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Một trong những tiêu chí để ĐCTT được vinh danh là tính đại chúng, yếu tố truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ mai sau. Những Thanh Trúc, Hồng Kim… sẽ là những cung Nam Xuân ngọt ngào chứng tỏ sức sống bền bỉ của ĐCTT trong dòng chảy của đời sống hiện đại.

Đăng Huỳnh
Tác giả bài viết: meoxu
Nguồn tin: BCT
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

CHUYỂN ĐẾN WEBSITE...

Đăng nhập thành viên

NSMAU

Thăm dò ý kiến

Nữ nghệ sĩ thế hệ vàng được yêu thích nhất

Thanh Hương

Út Bạch Lan

Diệu Hiền

Ngọc Hương

Thanh Nga

Bạch Tuyết

Lệ Thủy

Mỹ Châu

Thanh Kim Huệ

Bích Hạnh

Xuân Lan

Bích Sơn

Ngọc Giàu

Mộng Tuyền

Thanh Thanh Hoa

DUY TRÌ TRANG WEB

animation

Facebook

NS ANIMATION NHO

Nghệ sĩ cải lương Minh Cảnh hé lộ cuộc sống tuổi xế chiều tại Mỹ Đăng Bách Đăng Bách

Nghệ sĩ Minh Cảnh gây bất ngờ khi xuất hiện với vóc dáng phong độ ở tuổi U.90. Ông vẫn thỉnh thoảng đi hát, sống cuộc sống bình yên ở xứ cờ hoa.

 

Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51

NSƯT Vũ Luân có những trải lòng về chặng hành trình làm nghề, đồng thời tiết lộ về cuộc sống độc thân hiện tại.

 

NSND Lệ Thủy ôn lại thuở 'ăn quán ngủ đình' với Phượng Liên

NSND Lệ Thủy xúc động hội ngộ nghệ sĩ Phượng Liên tại Mỹ. Cả hai ôn lại kỷ niệm thời chập chững vào nghề với nhiều gian khó.

 

Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan sửng sốt xem lại hình ảnh của mình cách đây 35 năm

Kiều Phượng Loan là một ngôi sao sáng trên cả hai lãnh vực kịch nói và cải lương, được khán giả yêu mến bởi tài năng thể hiện nhiều thân phận phụ nữ chịu nhiều ngang trái.

 

Nghệ sĩ Minh Cảnh lần đầu làm live show ở Việt Nam

Nghệ sĩ Minh Cảnh năm nay 86 tuổi, sự nghiệp phát triển trong thời kỳ hưng thịnh nhất của cải lương, cùng với “thế hệ vàng” như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thanh Sang, Phượng Liên, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Minh Vương, Minh Phụng…

 

Nghệ sĩ Minh Cảnh lần đầu làm live show ở Việt Nam

Nghệ sĩ được mệnh danh là "Hoàng đế Vọng cổ" vì giọng hát tuyệt đẹp thuộc hàng "danh ca", và nổi tiếng với hàng trăm vở cải lương cho đến nay vẫn rung động lòng người...

 

Hãy để cố NSƯT Vũ Linh được yên nghỉ

Sau hơn 100 ngày mất, những lùm xùm chung quanh việc tranh chấp nhà, đất để lại của cố NSƯT Vũ Linh đã khiến dư luận trong và ngoài giới sân khấu bức xúc.

 

Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM tuyển sinh diễn viên cải lương

Sau 4 năm gián đoạn, năm học 2023-2024, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM chính thức tuyển sinh cao đẳng chính quy ngành diễn viên sân khấu kịch hát (diễn viên cải lương).

 

Nam nghệ sĩ Thanh Điền đã trở thành youtuber chuyên nghiệp?

Ngày nào cũng có clip mới, ngắn dài khác nhau, ngày nảo cũng có đề tài mới, có phải nam nghệ sĩ Thanh Điền đã trở thành youtuber chuyên nghiệp?

 

'Thần đồng cải lương' Linh Tý: Tôi chưa làm điều gì khiến ba Linh Tâm mất mặt

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, diễn viên Linh Tý có nhiều thuận lợi khi phát triển nghề. Song anh thừa nhận cũng đối diện với nhiều áp lực vì là 'con nhà nòi'.

 

Tòa án thụ lý vụ kiện tranh chấp tài sản của nghệ sĩ Vũ Linh

Theo nguồn tin của Thanh Niên, Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận (TP.HCM) đang thụ lý vụ kiện tranh chấp thừa kế đối với tài sản của ông Võ Văn Ngoan (cố NSƯT Vũ Linh).

 

Kim Tử Long: Tôi không yêu cầu Trinh Trinh phải là người vợ hoàn hảo

NSƯT Kim Tử Long đảm nhận vai trò MC trong chương trình Ký ức ngọt ngào. Nam nghệ sĩ có dịp trải lòng về cuộc hôn nhân với huấn luyện viên Tài danh tân cổ.

 

NSND Lệ Thủy "kể xấu" NSND Thoại Miêu trong ngày sinh nhật

Luôn là đôi nghệ sĩ thân thiết, ngay trong lễ trao tặng danh hiệu "Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng" do báo Người Lao Động trao năm ngoái, bên cạnh NSND Lệ Thủy lúc nào cũng có NSND Thoại Miêu.

 

Nghệ sĩ Bình Tinh mơ được "tiếp lửa cống hiến"

Ngày mai, 29-5, lễ trao Giải thưởng Văn hóa Đào Tấn 2022 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trò chuyện với Bình Tinh - nghệ sĩ sân khấu tuồng cổ duy nhất được đề cử nhận giải thưởng này

 

Tấn Tài - Hoàng đế đĩa nhựa

Nhiều nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, ca nhạc, dù hiện nay có người đã trên dưới tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn là dấu khắc đậm đà trong lòng người mộ điệu.

 

Tác giả cải lương Phạm Văn Đằng: Mang mùi vị cuộc sống vào trang viết

Để gắn bó với nghề sáng tác trên sân khấu cải lương, tác giả Phạm Văn Đằng đã trải qua hành trình theo đuổi nghệ thuật nhiều gian nan, trắc trở. “Tài sản” của anh hiện có khoảng 600 bài ca cổ, tân cổ giao duyên, gần 100 vở tuồng ngắn, dài được sáng tác và chuyển thể cải lương, đáp ứng nhu cầu phát sóng của các đài truyền hình, phát thanh, biểu diễn sân khấu, các nghệ sĩ làm MV, album ca cổ…